(HNMO) - Ngày 27-11, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ (CIEM) tổ chức Diễn đàn năng suất lao động (NSLĐ) Việt Nam, nhằm cung cấp thông tin, hiện trạng và NSLĐ trong nước trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Theo TS Đặng Thị Thu Hoài (CIEM), hiện NSLĐ của Việt Nam được xếp loại thấp so với các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cụ thể, NSLĐ của ta chỉ bằng 13,2% so với Nhật Bản; 12% của Singapore; 37% của Thái Lan…
NSLĐ chậm được cải thiện, với một số nguyên nhân chủ yếu gồm: thiếu chính sách, cơ chế để khai thác hết tiềm năng, đặc điểm nhiều lao động đơn giản, giá rẻ; hoạt động đào tạo, dạy nghề mỏng và mát cân đối; mức độ đầu tư cho ứng dụng khoa học-kỹ thuật để nâng cao khả năng và số lượng sản phẩm cũng như chất lượng sản phẩm còn thấp…
Các chuyên gia cho rằng, NSLĐ thấp và chậm được cải thiện là điểm yếu của nền kinh tế cũng như thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Nếu không có sự chuyển biến tích cực, tìm ra biện pháp phù hợp và nhanh chóng Việt Nam sẽ chịu thiệt hại về nhiều mặt như hạn chế năng lực của đội ngũ người lao động, mất cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao thu nhập của nhân công, phát sinh sự mất cân đối về cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực…
Các chuyên gia cho rằng, việc gia tăng NSLĐ đang là yêu cầu cấp thiết của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập và làn sóng chuyển dịch nhân công giữa các nước trong khu vực (nhất là sau năm 2015-khi hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN). Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ ngành và giới nghiên cứu cần thắt chặt quan hệ, tạo ra sự trao đổi và tương tác thường xuyên và chủ động để tăng cường nguồn lực đầu tư cũng như chất xám cho việc phát triển khoa học và công nghệ. Cần ưu tiên lựa chọn những công nghệ, dây chuyền sản xuất hiện đại, dễ ứng dụng và phù hợp để nâng cao NSLĐ. Từ đó tạo ra sự tăng tốc về NSLĐ, là cơ sở cải thiện sức cạnh tranh đối với lĩnh vực lao động nói riêng và nền kinh tế nói chung…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.