(HNM) - Trong những ngày cuối tháng 4-2012, dư luận trở nên
Ông Nguyễn Thanh Hà, Phân hiệu I, Trường Trung cấp Kỹ thuật phòng không không quân: Cần đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền
Cấm người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia là việc lẽ ra đã phải làm từ lâu, nhưng đến nay mới được quan tâm đúng mức. Ở Việt Nam, uống rượu, bia đã trở thành thói quen trong sinh hoạt hằng ngày của nhiều người, từ cán bộ, công chức đến dân thường… Vì vậy, mức độ nguy hiểm của người uống rượu, bia khi lái xe chưa được nhận thức một cách nghiêm túc và đầy đủ. Thời gian qua, chúng ta đã nói nhiều đến nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, trong đó số vụ tai nạn do những người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn cao trong máu gây ra là một con số nhức nhối. Tôi cho rằng, thực trạng này là do ý thức chủ quan, do vậy các cơ quan chức năng phải tăng cường tuyên truyền làm thay đổi ý thức của người dân.
Bà Nguyễn Thị Quy, học viên lớp Cao cấp Lý luận chính trị, Học viện Chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh: Cần xử phạt thật nặng
Ai cũng hiểu "ma men" là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông. Vì vậy, tôi và rất nhiều người khác đều đồng tình nếu Nghị định 34/2010 ngày 2-4-2010 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được sửa đổi theo hướng nâng cao mức xử phạt đối với những người uống rượu, bia khi lái xe, tiến tới cấm hẳn những người lái xe uống rượu, bia khi tham gia giao thông. Đặc biệt, ở những thành phố lớn, mức xử phạt có thể cao hơn những tỉnh, thành khác để có thể hạn chế đến mức cao nhất tình trạng người tham gia giao thông uống rượu, bia. Khi mức xử phạt làm người vi phạm phải suy nghĩ, phải "xót" đồng tiền đã bỏ ra thì tôi tin những lần sau đó họ sẽ phải cân nhắc kỹ trước khi uống. Ngoài ra, đi kèm với mức phạt tiền cao thì hình phạt bổ sung cũng cần nghiêm khắc hơn, vi phạm ở mức độ nào cũng phải tước giấy phép lái xe, tạm giữ xe chứ không phải đợi đến khi có độ cồn cao mới bị tước giấy phép lái xe như quy định tại Nghị định 34 hiện nay.
Ông Võ Văn Đông (phường Trung Liệt, quận Đống Đa): Lực lượng chức năng phải được trang bị đầy đủ, đồng bộ hơn nữa
Để ngăn chặn có hiệu quả việc uống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, theo tôi công tác xử lý người vi phạm phải được thực hiện nghiêm túc và công việc này không chỉ là trách nhiệm riêng của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT). Được biết, đến nay máy đo nồng độ cồn mới được trang bị đến các đội CSGT của Phòng CSGT cấp thành phố và cấp quận, huyện nhưng với một số lượng rất hạn chế, công an cấp xã, phường vẫn chưa được trang bị. Do đó, rất nhiều trường hợp sử dụng rượu, bia khi lái xe đã "lọt lưới" bởi CSGT không đủ lực lượng để kiểm tra, phát hiện. Về nguyên tắc, muốn hiệu quả thì phải đầu tư về trang thiết bị, triển khai thường xuyên, đồng bộ ở nhiều cấp, ngành… Thiếu một trong những yếu tố đó thì chắc chắn hiệu quả công việc sẽ không đạt được như mong muốn, dễ dẫn đến cảnh "ném đá ao bèo"...
Điều 8, Nghị định 34/2010 ngày 2-4-2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định: Phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4miligam/lít khí thở. Phạt tiền từ 4 đến 6 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 30 đến 60 ngày; trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.