Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần tách biệt chống dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu

Minh Hiếu| 11/03/2020 10:35

(HNMO) - Ngày 10-3, khi trả lời câu hỏi về các tác động có thể của dịch Covid-19 đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, cả dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu đều là những vấn đề rất nghiêm trọng, cả hai đều cần được ứng phó quyết liệt và phải bị đánh bại.

 Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterresnhấn mạnh: “Một bên là một dịch bệnh mà chúng ta đều hy vọng sẽ chỉ là tạm thời, với những tác động tạm thời. Còn một bên là biến đổi khí hậu, đã tồn tại trong nhiều năm và sẽ tiếp tục ảnh hưởng trong nhiều thập kỷ tới, đòi hỏi chúng ta phải có các nỗ lực và hành động liên tục”.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng, không nên đánh giá quá cao việc lượng khí thải đã giảm trong một vài tháng gần đây, đồng thời cảnh báo việc giảm phát thải khí nhà kính tạm thời do sự bùng phát dịch Covid-19 không giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

“Chúng ta sẽ không chống lại biến đổi khí hậu bằng một loại vi rút. Hơn nữa, điều quan trọng là phải cẩn trọng và chú ý để việc chống dịch Covid-19 không làm chúng ta mất tập trung vào nhu cầu giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu hay tất cả các vấn đề khác mà thế giới đang phải đối mặt”, ông A.Guterres khẳng định.

Tổng Thư ký A.Guterres nhấn mạnh, Liên hợp quốc sẽ cố gắng hết sức hỗ trợ các quốc gia thành viên và người dân trong việc ngăn chặn và loại bỏ dịch bệnh càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, điều này cần tách biệt và không làm thay đổi quyết tâm liên quan đến biến đổi khí hậu và sự cần thiết phải có hội nghị COP26 tại Glasgow (Scotland) với các cam kết quan trọng để đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính vào năm 2050.

Cùng ngày, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi tất cả các nước bỏ qua sự khác biệt và tăng cường phối hợp, hợp tác quốc tế trong nỗ lực đối phó với dịch Covid-19 như “kẻ thù chung”.

Các quan chức WHO đang thảo luận với các nhà lãnh đạo Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), đồng thời hợp tác với các cơ chế như Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU), Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các tổ chức khác để phối hợp kiểm soát dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần tách biệt chống dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.