(HNM) - Từ đầu năm 2021 đến nay, nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì đà khởi sắc, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19. Đặc biệt, lạm phát tiếp tục được kiểm soát khá tốt. Bình quân 2 tháng đầu năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,14% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị; sự điều hành kịp thời, chủ động, linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, nổi bật là thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, bảo đảm cung - cầu hàng hóa, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân…
Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, bởi vẫn còn chặng đường dài hơn 9 tháng ở phía trước, nhất là khi CPI tháng 2-2021 tăng 1,52% so với tháng 1-2021, là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 2 trong 8 năm gần đây. Cùng với đó, tình hình thị trường quốc tế, trong nước ẩn chứa không ít phức tạp. Dự báo có nhiều yếu tố có thể làm tăng CPI, đó là giá nhiều loại nguyên, nhiên, vật liệu tăng trở lại khi dịch Covid-19 dần được khống chế, các hoạt động sản xuất, thương mại phục hồi.
Ở trong nước, áp lực tăng giá sẽ đến từ việc điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình. Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp có thể làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng... Từ đó, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần vào cuộc đồng bộ, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 655/VPCP-KTTH ngày 27-1-2021 về công tác điều hành giá năm 2021; triển khai tốt các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô...
Đối với các cơ quan quản lý, cần chủ động dự báo, đánh giá tình hình, điều hành giá thận trọng, linh hoạt; xây dựng các kịch bản theo tháng, quý, năm để có phương án điều hành giá phù hợp. Trong đó, cần theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, nhất là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, kịp thời đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, biện pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát, tạo sự đồng thuận trong xã hội, hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý; xử lý nghiêm những hành vi gây bất ổn thị trường…
Về phần mình, các địa phương cần bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tiếp tục rà soát tình hình, tìm dư địa cho việc giảm giá hàng hóa; chú trọng các giải pháp tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống cho người dân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát giá cả, kịp thời tham mưu cho các cấp có thẩm quyền trong công tác quản lý, phù hợp với nguyên tắc thị trường và điều hành kinh tế vĩ mô.
Đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, cần tìm kiếm, áp dụng các biện pháp phù hợp, tiết giảm chi phí sản xuất, ổn định giá thành sản phẩm. Trong bối cảnh dịch Covid-19, cần chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường mới; tận dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và cơ quan hữu quan, tham gia thực hiện tốt chương trình kích cầu tiêu dùng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, mỗi người dân cần tin tưởng vào sự điều hành, điều tiết thị trường của cơ quan quản lý, bình tĩnh trước những biến động về giá cả, chung sức giúp Nhà nước kiểm soát tốt lạm phát.
Với sự chủ động vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội, CPI năm 2021 sẽ đạt được mục tiêu kiểm soát tăng khoảng 4% do Quốc hội đề ra, tạo tăng trưởng kinh tế bền vững và góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.