(HNM) - Thành phố Hà Nội có khoảng 1.500 chung cư cũ với quy mô từ 2 đến 5 tầng, cơ bản được xây dựng từ năm 1960 đến 1990, tập trung chủ yếu ở các quận: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm (khu vực hạn chế phát triển nhà ở mới theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt) và Hoàng Mai, Thanh Xuân. Những khu nhà trên hầu hết đã xuống cấp về chất lượng công trình, cũng như quá tải về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, cần phải được xây dựng, cải tạo lại.
Thời gian qua, TP Hà Nội đã giao cho các nhà đầu tư khảo sát, xác định ranh giới nghiên cứu quy hoạch, xây dựng, cải tạo các khu chung cư cũ. Tuy nhiên, đến nay kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn, mới chỉ tập trung xử lý một số công trình nguy hiểm cấp độ D (công trình nhà nguy hiểm cần phải xử lý ngay). Do vậy, khi tiếp xúc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, nhiều cử tri các quận nội thành vẫn tiếp tục kiến nghị thành phố sớm có phương án cải tạo chung cư cũ để cải thiện điều kiện sinh hoạt của người dân.
Trả lời vấn đề cử tri nêu, UBND thành phố cho biết, việc cải tạo chung cư cũ gặp khó khăn từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về khách quan, theo Quy hoạch chung Thủ đô, đối với khu đô thị lõi lịch sử (thuộc địa bàn 4 quận nội thành cũ) cần phải giảm quy mô dân số từ 1,2 triệu người xuống còn 0,8 triệu người. Do đó, việc bảo đảm bài toán kinh tế: Cân đối tài chính cho nhà đầu tư, cải thiện diện tích ở cho người dân trong khu vực dự án, cùng với hạn chế tăng dân số là không khả thi.
Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều ý kiến của người dân đòi hỏi quyền lợi về diện tích nhà tái định cư, các khoản kinh phí hỗ trợ, yêu cầu được tái định cư tại chỗ theo một số ít dự án trước đó (thời điểm chưa phải tuân thủ theo Quy hoạch chung Thủ đô), dẫn đến không ủng hộ dự án. Về chủ quan, do chưa có sự vào cuộc tích cực của bộ máy chính quyền các cấp trong vận động, tuyên truyền các quy định, chính sách của Nhà nước đến cộng đồng dân cư; sự phối hợp của các sở, ngành, quận trong việc tháo gỡ khó khăn, đề xuất chính sách về xây dựng, cải tạo chung cư cũ chưa đồng bộ, quyết liệt.
Về giải pháp, UBND thành phố đang đôn đốc đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chi tiết 1/500 các khu chung cư cũ trên địa bàn thành phố (theo quy định tại Nghị định số 101/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ) và hoàn thiện cơ chế, chính sách trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi có quy hoạch chi tiết được duyệt, UBND thành phố sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu đủ khả năng, năng lực tài chính thực hiện cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ theo quy định.
Để cải tạo chung cư cũ, ngân sách nhà nước không thể đảm đương được. Trong khi đó, với quy định hiện hành, việc bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân là không dễ dàng. Do vậy, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, các ngành thì rất cần sự chia sẻ, thấu hiểu của chính cư dân đang sinh sống tại các chung cư cũ. Có như vậy, chủ trương cải tạo chung cư cũ của thành phố mới sớm thành hiện thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.