Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần sát thực tế và đáng tin cậy

Duy Biên| 19/10/2017 07:06

(HNM) - Nhiều năm gần đây, chúng ta liên tục chứng kiến những tổn thất nặng nề do thiên tai nói chung, lũ quét và sạt lở đất nói riêng gây ra. Mới đây, đợt mưa lũ lịch sử diễn ra trên diện rộng từ ngày 10 đến 12-10 đã làm hơn 100 người chết và mất tích, 38 người bị thương.


Đặc biệt, vụ sạt lở đất do mưa lũ tại xã Phú Cường, huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) khiến 18 người chết là một ví dụ đau xót. Trước đó, trận lũ quét xảy ra ngày 3-8-2017 tại Sơn La và Yên Bái cũng khiến 34 người chết, mất tích, nhiều khu vực bị chia cắt, thiệt hại rất lớn về tài sản.

Tìm hiểu, đánh giá về nhiều khía cạnh hậu quả hết sức nặng nề của thiên tai, dư luận cho rằng công tác dự báo thời tiết, đặc biệt là dự báo lượng mưa là một nguyên nhân. Chẳng hạn, trong đợt mưa lũ từ ngày 10 đến 12-10 vừa qua, dự báo cho thấy sai số quá lớn so với thực tế. Riêng tại công trình thủy điện Hòa Bình, dự báo ban đầu được cơ quan chức năng đưa ra là lưu lượng về hồ chỉ xung quanh 3.000m3/giây, nhưng đỉnh điểm tại hồ Thủy điện Hòa Bình có lúc lên tới 17.000m3/giây, tức cao hơn gấp 5 lần so với dự báo…

Dự báo không chính xác đã khiến cho công tác phòng, chống thiên tai gặp nhiều khó khăn.

Nhằm chấn chỉnh hoạt động dự báo thời tiết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 84/2017/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 173/2013/NĐ-CP năm 2013, nêu rõ: Việc truyền, phát sai lệch bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, khí tượng thủy văn bị phạt 40-50 triệu đồng. Ngoài ra, với hành vi ban hành bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn 3 lần liên tiếp trong một tháng không đủ độ tin cậy sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng…

Tuy nhiên, trong thời gian qua, thông tin dự báo mưa bão chưa sát thực tế vẫn diễn ra. Trong khi đó, tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường thì công tác dự báo, cảnh báo thiên tai rất quan trọng. Vì vậy, để giảm thiệt hại về người và tài sản khi có thiên tai xảy ra, trước hết việc đưa ra các bản tin dự báo sát thực tế sẽ giúp công tác phòng, chống thiên tai có hiệu quả hơn.

Để làm được điều đó, các cơ quan chức năng (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cần thiết phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị hiện đại để công tác dự báo được chính xác hơn. Hiện nay, mật độ điểm, trạm quan trắc vẫn thấp, tình trạng kỹ thuật lạc hậu, thậm chí nhiều trạm vẫn quan trắc thủ công.

Do đó, cần tăng cường xây dựng thêm các điểm, trạm quan trắc để ghi nhận nhiều dữ liệu thông tin. Cùng với đó là xây dựng bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất với tỷ lệ chi tiết, xác định được các vị trí tiềm năng xảy ra nguy cơ cho các địa phương. Đặc biệt là nâng cao tránh nhiệm đối với cơ quan dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

Về phía chính quyền địa phương, phải nhạy bén với tình hình và kiên quyết thực hiện các phương án, kế hoạch sớm di dời nhân dân trong vùng nguy hiểm khi mưa bão xảy ra. Đồng thời, kiên trì việc thông tin, tuyên truyền, cảnh báo cho người dân trước thiên tai. Việc cảnh báo phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, đặc biệt là khi có mưa bão xuất hiện. Phải làm cho mọi người dân sống trong vùng có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất hiểu được tính chất, mức độ nguy hiểm của thiên tai, hiểu rõ những dấu hiệu nguy hiểm sắp xảy ra để chủ động đề phòng.

Thiên tai là bất định, thiệt hại là vô cùng, nhưng nếu hoạt động dự báo, cảnh báo sát với tình hình, hậu quả do "ông trời" gây ra hẳn sẽ giảm xuống rất nhiều.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần sát thực tế và đáng tin cậy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.