(HNMO) - Cấm hay không nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ là vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm cho ý kiến trong quá trình thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) tại phiên họp thứ 43 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra sáng 23-3, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu quan điểm, không nên tiếp tục duy trì hình thức kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc kinh doanh dịch vụ này để biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động “tín dụng đen”, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây áp lực lên con nợ, dẫn tới nhiều hệ lụy.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến, phải giữ nguyên tắc luật được ban hành sau phải đồng bộ, có mối quan hệ chặt chẽ với luật được ban hành trước. Về ngành nghề này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là yêu cầu, đòi hỏi của thực tế, mặc dù có nhiều biến tướng nhưng là do quản lý chưa tốt, quy định chưa chặt chẽ.
“Tôi cho rằng, không nên quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, mà vẫn quy định tại danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện như luật hiện hành, với những điều kiện chặt chẽ, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước”, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, quan hệ giữa bên cho vay và bên vay là quan hệ dân sự, đã được điều chỉnh bằng rất nhiều cơ chế. Hiện cả nước có 217 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, nhưng trên thực tế chưa có đơn vị nào sử dụng hình thức đòi nợ lành mạnh, chủ yếu đã biến tướng, gây mất trật tự, an toàn xã hội. Trong khi đó, đóng góp của ngành, nghề này không tương xứng. Ngoài ra, việc quy định để quản lý chặt chẽ ngành, nghề này cũng hết sức phức tạp.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết sẽ tiếp tục bảo lưu các ý kiến còn khác nhau về vấn đề kinh doanh đòi nợ để xin ý kiến các đoàn Đại biểu Quốc hội và Quốc hội trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất sửa một số nội dung mâu thuẫn với các luật khác và giữ nguyên các phụ lục 1, 2 và 3 của Luật Đầu tư, không giao Chính phủ quy định chi tiết; bổ sung quy định cho phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, tránh áp dụng tùy tiện.
Hai luồng ý kiến về các quy định với hộ kinh doanh
Cũng trong phiên sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật, mà ban hành một nghị định về hộ kinh doanh, do tính chất và quy mô kinh doanh của hộ kinh doanh rất khác doanh nghiệp. Một số ý kiến đồng tình với việc đưa hộ kinh doanh vào quy định tại Luật Doanh nghiệp để có cơ sở ban hành các chính sách hỗ trợ các hộ kinh doanh.
Tán thành việc quy định hộ kinh doanh thành một chương trong Luật Doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc đưa khoảng 5 triệu hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật là phù hợp với bản chất kinh tế và pháp lý của hộ kinh doanh, bảo đảm quyền bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp khác. Đồng thời, bảo đảm tôn trọng tính chất lịch sử đặc thù của kinh tế hộ ở Việt Nam, vừa là bước tiến mới đưa hệ thống pháp luật về doanh nghiệp ở nước ta phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế, đáp ứng tốt hơn yêu cầu hội nhập.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần thiết luật hóa về hộ kinh doanh, đưa vào ngay trong dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Điều này sẽ giúp huy động được nguồn lực của hộ kinh doanh đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế, sau này cần thiết thì có thể đưa toàn bộ nội dung đã quy định để hình thành dự án luật riêng.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, hộ kinh doanh bản chất không phải là doanh nghiệp. Việc đưa loại hình này vào Luật Doanh nghiệp mặc dù không gây cản trở nhưng không phản ánh đúng thực chất của hộ kinh doanh. Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm, phải có cơ sở pháp lý để quản lý hộ kinh doanh; dù loại hình này đang có một số luật khác điều chỉnh nhưng cần nghiên cứu xây dựng luật riêng.
“Tôi kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành tổng kết, xem xét báo cáo tác động để hình thành luật riêng về hộ kinh doanh. Việc ban hành luật riêng sẽ giúp các hộ kinh doanh phát triển tốt”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp tục rà soát dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) để tránh xung đột với các luật đã ban hành.
Về hộ kinh doanh, vấn đề này đang hình thành 2 phương án: Đưa thành một chương trong Luật Doanh nghiệp hay ban hành luật riêng. Nội dung này sẽ được tiếp tục xem xét, xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.