Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần những hình mẫu cụ thể

Thành Tâm| 14/09/2014 06:31

(HNM) - Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho thanh niên được Thành đoàn Hà Nội đặc biệt quan tâm, là nội dung trọng tâm của phong trào Đoàn, phong trào thanh niên.



Thông qua nhiều chiến dịch, nội dung và hình thức tuyên truyền, giáo dục đã được đổi mới để đạt hiệu quả hơn, song dường như công tác tuyên truyền còn thiếu chiều sâu khi chưa phát hiện, xây dựng được những tấm gương tiêu biểu hay chí ít là rút ra được bài học có tính thực tiễn cao...

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho thanh niên là nội dung trọng tâm của phong trào Đoàn. Ảnh: Ngọc Lương


Thành đoàn Hà Nội cho biết, thời gian qua, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng tiếp tục được triển khai thông qua các hoạt động lớn, có tính bao phủ đến số đông đoàn viên, thanh niên như học tập, nghiên cứu 6 bài học lý luận chính trị; tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp; tổ chức hội nghị học tập, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thi tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh... Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng còn được tăng cường trong các dịp kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước và tổ chức Đoàn. Gắn với những vấn đề của cuộc sống, tổ chức Đoàn còn triển khai các chiến dịch lớn như tuyên truyền pháp luật về TTATGT xây dựng nếp sống, văn minh đô thị... Trên thực tế, việc tuyên truyền, giáo dục bằng những hình thức như trên là rất cần thiết, tạo khí thế sôi nổi, qua đó tác động đến tâm tư, tình cảm, nhận thức của đoàn viên, thanh niên. Song, để đánh giá hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục thông qua những chiến dịch lớn là rất khó và thiếu cụ thể. Mặt khác, tuyên truyền theo chiến dịch không thể thực hiện trong thời gian dài, liên tục, nhiều nội dung không đến được với đoàn viên, thanh niên khối dân cư.

Trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống... của tổ chức Đoàn cũng có nội dung phát hiện, biểu dương những gương điển hình trên mọi mặt đời sống xã hội. Ở quy mô toàn quốc, mới đây, TƯ Đoàn, TƯ Hội Liên hiệp Thanh niên tổ chức tuyên dương điển hình tiên tiến làm theo lời Bác. Thành đoàn Hà Nội cũng vừa tham mưu cho thành phố tổ chức lễ tuyên dương 132 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp đại học, học viện trên địa bàn Thủ đô năm 2014... Đây là những việc làm hết sức ý nghĩa, nhưng xét về mặt tuyên truyền, giáo dục thì hiệu quả chưa cao, ở chỗ là bài học, kinh nghiệm từ những điển hình chưa được cụ thể hóa, chưa được chia sẻ đến đoàn viên, thanh niên. Đoàn viên, thanh niên cũng chưa tìm được tấm gương trong học tập, lao động, cống hiến từ những điển hình được tuyên dương để học tập, noi theo. Sở dĩ như vậy là vì, những kinh nghiệm thực tiễn quý báu của những điển hình tiên tiến được nêu gương mới chỉ nằm trong báo cáo thành tích, chưa được phổ biến rộng rãi. Ngay cả hoạt động rất bổ ích của Thành đoàn Hà Nội đầu năm 2014 là tổ chức tọa đàm "Giá trị hình mẫu thanh niên thời đại mới dưới góc nhìn của văn nghệ sĩ" cũng chỉ dừng lại ở việc thu hút 500 đoàn viên, sinh viên, văn nghệ sĩ Thủ đô tham gia. Giá trị rút ra thông qua buổi tọa đàm đến nay cũng chưa được phổ biến...

Cũng có ý kiến cho rằng, việc xây dựng điển hình, tiên tiến hiện nay khó hơn trước đây do điều kiện kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi, lối sống của đoàn viên, thanh niên cũng khác. Nói như vậy là chưa đúng. Thực tế chứng minh, trong giới trẻ hôm nay có nhiều tấm gương khắc phục khó khăn, vươn lên học tập tốt, lao động tốt, làm giàu cho gia đình và đóng góp cho xã hội trên nhiều lĩnh vực. Có thể kể đến Bí thư Chi đoàn 1, Đoàn xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ) Lê Mạnh Cường, không chỉ năng động làm giàu cho bản thân mà còn giúp đỡ các đoàn viên, thanh niên, đưa Chi đoàn 1 trở thành đơn vị vững mạnh, có nhiều đoàn viên làm kinh tế giỏi. Hay, hai thủ khoa kỳ thi đại học 2014 là anh em sinh đôi Nguyễn Phương Nam và Nguyễn Ngọc Hòa (ở thôn Lưu Đông, xã Phú Túc, Phú Xuyên), dù hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha, mẹ đi làm xa vẫn vươn lên học giỏi... Đây là những gương vượt khó tiêu biểu. Tuy vậy, số này cũng chưa nhận được sự quan tâm, bồi dưỡng của tổ chức Đoàn để có điều kiện phát triển và đóng góp nhiều hơn, trở thành điển hình. Hoặc nếu có, sự quan tâm mới chỉ dừng lại ở từng giai đoạn, thậm chí từng sự kiện, không tạo được sức sống cho tấm gương điển hình, dễ bị lãng quên...

Vì vậy, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục không chỉ là đổi mới hình thức hoạt động đã có mà cần phải xây dựng được những hình mẫu sống trong giới trẻ hiện nay. Để xây dựng thế hệ thanh niên có "tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn", có khát vọng đưa đất nước vươn lên, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và Thủ đô trong thời kỳ mới không thể chỉ kêu gọi chung chung mà phải xây dựng được tấm gương cụ thể với những hành động, đóng góp thiết thực, từ đó hình thành nên những tiêu chí cho hình mẫu để thế hệ trẻ học tập, noi theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần những hình mẫu cụ thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.