(HNM) - Tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được triển khai khoảng 10 năm, tuy nhiên quan điểm thế nào, định hướng và giải pháp ra sao để tái cơ cấu thành công… vẫn là những vấn đề cần làm rõ.
Hội thảo "Tái cấu trúc nền kinh tế trong bối cảnh nợ công và suy thoái kinh tế: Chia sẻ kinh nghiệm Châu Âu và Việt Nam" do Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Viện KAS, Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức mới đây đã góp thêm "góc nhìn" của các nhà khoa học về vấn đề này.
Lợi thế nhiều, hiệu quả ít
Tại hội thảo, TS Võ Đại Lược, Tổng Giám đốc Trung tâm Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương đánh giá, quá trình cải cách DNNN Việt Nam cho đến nay đã có những tác động tích cực trên nhiều mặt. Số DNNN đã giảm từ trên 10.000 thời điểm năm 1991 xuống chỉ còn 1.309 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, đồng thời thu hẹp diện hoạt động của các DNNN, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân. Cải cách cũng làm giảm bớt được mức độ độc quyền của các DNNN trên nhiều lĩnh vực, số lĩnh vực chỉ có một tập đoàn hay tổng công ty nhà nước kinh doanh đã giảm đi rõ rệt, tạo ra môi trường cạnh tranh tốt hơn. Tuy nhiên, quá trình này cũng bộc lộ hạn chế lớn là các DNNN hiện giữ hầu hết những lợi thế của nền kinh tế, những ngành và lĩnh vực quan trọng, được hưởng ưu đãi của Nhà nước về đất đai, vốn, thị trường… nhưng đã không có những đóng góp tương xứng. Năm 2009, DNNN chiếm 37,2% nguồn vốn kinh doanh, 44,7% giá trị tài sản cố định và đầu tư dài hạn, nhưng chỉ tạo ra 25% doanh thu, 37% lợi nhuận trước thuế và 20% giá trị sản xuất công nghiệp. Hiệu quả kinh doanh kém còn thể hiện ở một vài con số: Khoảng 12% DNNN lỗ trong sản xuất kinh doanh, mức lỗ bình quân của một DNNN gấp 12 lần so với DN ngoài nhà nước, có DNNN lỗ "nặng" như Tập đoàn Điện lực năm 2010 lỗ 8.500 tỷ đồng. Một vấn đề khác, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng nguồn vốn của khu vực DNNN, theo tổng kết 10 năm gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chưa năm nào vượt quá 6% so với 10% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2010, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước chỉ có 13,1%, thấp xa so với lãi suất vay thương mại trung bình trong năm.
Trong khi tình trạng lãng phí, tham nhũng, thiếu công khai, minh bạch khá phổ biến, đặc biệt là lãng phí trong quy hoạch xây dựng, đấu thầu xây dựng, tìm nguồn vốn, vận hành kinh doanh…
Cần những giải pháp mạnh
Theo ông Võ Đại Lược, để quá trình tái cơ cấu DNNN đạt hiệu quả, cần xem xét rút vốn ra khỏi các DNNN ở những ngành và lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ chẳng hạn như bách hóa, xe đạp, xe máy, cà phê, cao su, du lịch… Nhờ vậy có thể giảm tỷ trọng DNNN trong GDP từ 34-35% hiện nay xuống còn khoảng 15-20%, ngang mức của các nền kinh tế thị trường trong khu vực. Đây là giải pháp rất quan trọng vì DNNN kinh doanh kém hiệu quả, nếu chiếm tỷ trọng càng lớn càng ảnh hưởng tới nền kinh tế quốc dân.
Một giải pháp cần thiết khác là tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty theo hướng chuyển các tập đoàn kinh tế về hình thức tổng công ty chỉ kinh doanh đúng ngành nghề Nhà nước cần nắm giữ. DNNN không có chức năng kinh doanh nhà hàng, khách sạn, chứng khoán…, do vậy các tập đoàn và tổng công ty nhà nước phải sớm chấm dứt các hoạt động kinh doanh này. Ông Võ Đại Lược giải thích, có một thực tế là, ngay cả ở những nền kinh tế phát triển nhất với thể chế quản lý thông thoáng nhất, công khai, minh bạch nhất, các DNNN cũng không thể kinh doanh hiệu quả hơn tư nhân trong những lĩnh vực này, thậm chí là thua lỗ. Vấn đề không phải là các DNNN không làm ra lợi nhuận mà lợi nhuận làm ra không "giữ" được trong tình trạng sở hữu nhà nước có quá nhiều "ông chủ" nên có tình trạng khá phổ biến "nhiều sãi không ai đóng cửa chùa".
Một giải pháp được nhiều đại biểu nhất trí cho rằng sẽ mang lại hiệu quả là đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN theo hướng tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược có khả năng quản lý, phát triển các doanh nghiệp này, nếu quản lý DNNN sau cổ phần hóa mà được "trao" cho những người quản lý kém thì việc cổ phần hóa sẽ không có ý nghĩa.
Tái cơ cấu DNNN là một việc làm phức tạp vì nó đụng chạm đến lợi ích của nhiều tầng lớp xã hội, nhiều nhóm lợi ích khác nhau, đến cả các vấn đề về quan điểm phát triển nhạy cảm. Tuy nhiên, việc sử dụng những biện pháp mạnh để tái cơ cấu vẫn là cần thiết nhằm xây dựng một nền kinh tế khỏe mạnh là điều mà các đại biểu đều thống nhất sau hai ngày thảo luận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.