Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần những cơ chế đặc thù, tính khả thi cao trong Luật Thủ đô sau sửa đổi

Bảo Hân| 31/08/2022 14:26

(HNMO) - Sáng 31-8, Bộ Tư pháp, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo “Xây dựng cơ chế, chính sách về phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội”. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn đồng chủ trì.

Hội thảo nhận được nhiều tham luận, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học thuộc các lĩnh vực văn hóa, quy hoạch, xây dựng, môi trường…

 Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu điều hành hội thảo.

Tái đầu tư để phát triển từ quỹ tài sản đô thị đặc biệt

Mở đầu hội thảo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng nêu đề xuất về chính sách phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng giao thông của Thủ đô. Chính sách nhằm cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử theo hướng bảo tồn không gian lịch sử văn hóa, truyền thống; phát triển nhà ở mới và xây dựng lại chung cư cũ để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân; huy động mọi nguồn lực đầu tư xây mới, hoàn thiện hạ tầng giao thông theo quy hoạch, phát triển các đô thị vệ tinh, đô thị định hướng giao thông (TOD), tạo điều kiện thực hiện tái thiết đô thị tại khu vực nội đô lịch sử để phát triển Thủ đô. Bên cạnh các giải pháp được đưa ra, tham luận cũng đánh giá rõ tác động của các giải pháp đối với đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách và các đối tượng khác có liên quan.

Phát biểu ý kiến về bảo tồn di sản văn hóa vùng nội đô lịch sử của Hà Nội cần được tiếp cận từ góc nhìn đô thị di sản, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia khẳng định, thành phố Hà Nội đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của một đô thị di sản. Và từ góc nhìn kinh tế học di sản, đã đến lúc phải tập trung đầu tư công cho những dự án mang tính tích hợp và bao trùm để biến di sản văn hóa từ dạng tài sản văn hóa - tài nguyên du lịch thành loại “hàng hóa đặc biệt” có giá trị kép cả về mặt văn hóa và kinh tế. Đó là chuỗi các sản phẩm du lịch đặc hữu, tour, tuyến du lịch riêng mang thương hiệu Hà Nội.

Cùng quan điểm này, PGS.TS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, việc khai thác hợp lý và lâu dài quỹ tài sản đô thị đặc biệt của thành phố Hà Nội sẽ tạo nguồn lực vật chất, tài chính có tác dụng hỗ trợ nâng cao khả năng bảo trì di tích, các công trình thường xuyên và hiệu quả. Đây chính là một hình thức tái đầu tư để phát triển.

“Quá trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị trong khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội rất cần có sự tham gia của người dân sinh sống trong khu vực di sản, những người và tổ chức có quyền lợi gắn với khu vực di sản, các tổ chức có trụ sở là công trình di sản, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến khu vực di sản, các tổ chức và chuyên gia về vấn đề bảo tồn di sản, hình thành nên chính sách đặc thù - bảo tồn di sản văn hóa trong đô thị hiện đại với sự tham gia của cộng đồng”, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam lưu ý.

Nhiều giải pháp mới, mang tính đột phá

Nhấn mạnh tầm quan trọng của khai thác đất đai, tạo nguồn lực lớn trong xây dựng Thủ đô, GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân tích, Hà Nội hiện đã được mở rộng địa giới hành chính, diện tích tăng gấp 3 lần so với trước. Đây chính là dư địa, là nguồn lực công để phát triển nếu thành phố có quy hoạch hợp lý cùng những bước đi theo quy hoạch để “gặt hái” giá trị gia tăng trên đất rất lớn.

Cùng đánh giá cao vai trò của phương pháp hợp tác công tư, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam Lê Quốc Hiệp nhận định, vướng mắc về cơ chế, chính sách là một trong những nguyên nhân khiến Hà Nội đang lãng phí nguồn lực từ các nhà đầu tư tư nhân. Do đó, Hiệp hội hy vọng Luật Thủ đô sau sửa đổi sẽ tạo hành lang pháp lý cho các nhà đầu tư có thể hỗ trợ cùng vốn ngân sách, thấy trách nhiệm của cá nhân, doanh nghiệp mình trong phát triển Thủ đô.

Theo ông Lê Quốc Hiệp, trong kêu gọi các nhà đầu tư, thành phố nên cân nhắc phân chia dự án đầu tư với quy mô hợp lý để kêu gọi được nhiều nhà đầu tư, tránh tập trung vào 1 hoặc 2 nhà đầu tư gây tâm lý độc quyền. Trước đó, thành phố cần thông báo rộng rãi và tổ chức buổi gặp mặt các nhà đầu tư để kêu gọi họ cùng tham gia.

Cũng trong sáng nay, Ban tổ chức đã tiếp thu thêm một số ý kiến phát biểu, tham luận và thảo luận về phát triển không gian ngầm tại Hà Nội, các giải pháp giao thông di chuyển trong đô thị để hạn chế phát thải hay thực trạng trong công tác quản lý, sắp xếp chức năng sử dụng đất, tổ chức giao thông tại quận Hoàn Kiếm…

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đánh giá, các ý kiến đóng góp đều chất lượng, thể hiện tâm huyết, kỳ vọng cũng như những băn khoăn, trăn trở của các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu vào quá trình phát triển tới đây của Thủ đô. Trong nhiều giải pháp được nêu, có những giải pháp mới, mang tính đột phá, nếu được triển khai với thể chế đồng bộ sẽ góp phần xử lý tốt những vấn đề đang đặt ra trong phát triển đô thị của Hà Nội hiện nay.

“Hội nghị đã nhất trí cao trong Luật Thủ đô hiện hành cũng đã có một số chính sách, cơ chế đặc thù để phát triển đô thị nhưng chưa đủ mạnh, chưa thể hiện rõ tính đặc thù và yêu cầu riêng của Hà Nội và tính khả thi của những chính sách này cũng chưa cao. Do đó, trong sửa đổi Luật Thủ đô tới đây nhất thiết phải có những cơ chế đặc thù, đặc biệt có tính khả thi cao để tiếp tục phát triển đô thị của Thủ đô xứng đáng với vai trò, vị thế vốn có.

Ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học sẽ được tổng hợp đầy đủ, tổ chức nghiên cứu thấu đáo để phục vụ ngay cho việc tổng kết Luật Thủ đô, xây dựng hồ sơ Luật Thủ đô sửa đổi, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội và xa hơn là phục vụ cho quá trình chuẩn bị dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi”, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần những cơ chế đặc thù, tính khả thi cao trong Luật Thủ đô sau sửa đổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.