(HNMO) - Chiều 11/6, thảo luận về dự án Luật dự trữ quốc gia, các đại biểu Quốc hội còn nhiều băn khoăn về các mục tiêu đề ra trong dự án luật, đặc biệt là mục tiêu bình ổn thị trường, đảm bảo an sinh xã hội.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành việc xây dựng và ban hành dự luật Dự trữ quốc gia nhằm thay thế Pháp lệnh hiện hành không còn phù hợp với tình hình mới và công tác quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia.
Một số đại biểu cho rằng, dự thảo luật mở rộng mục tiêu dự trữ quốc gia với nhiệm vụ phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn và tham gia quá trình bình ổn giá, ổn định kinh tế vĩ mô là điều cần thiết.
Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị chỉ nên giới hạn ở một số mặt hàng chiến lược, khi cần thiết tham gia để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, nên cân nhắc thu hẹp mục tiêu sử dụng dự trữ quốc gia dựa trên cơ sở cân đối nguồn lực, bảo đảm phù hợp bản chất dự trữ quốc gia, tránh dàn trải.
Các đại biểu Lê Văn Hoàng - Đà Nẵng, Nguyễn Minh Phương - TP Cần Thơ cho rằng, việc qui định dự trữ quốc gia được sử dụng để tham gia bình ổn thị trường và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu rất khó thực hiện và cũng có xu hướng đi ngược lại với mục tiêu phát triển nền kinh tế cơ chế thị trường của chúng ta do thị trường điều tiết. Theo các đại biểu này, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ và một phạm vi rất rộng lớn, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau. Tất cả nguồn dự trữ quốc gia của chúng ta hiện nay cũng chưa đủ điều kiện đáp ứng được yêu cầu bảo đảm cho an sinh xã hội. Do đó, nguồn lực dự trữ quốc gia chỉ nên được sử dụng trong những trường hợp hết sức cấp bách.
Theo đại biểu Bùi Đức Thụ - Lai Châu, dự trữ Nhà nước của ta rất nhỏ, trước yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô mà lại tham vọng nội dung quá rộng là không nên. Tuy nhiên, ông ủng hộ việc bán hàng hóa dự trữ quốc gia để bình ổn thị trường.
Về vấn đề này đại biểu Trần Đình Long – Đắc Nông đề nghị, với một số ngành, lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực bình ổn giá cả dân sinh, thì phải có những doanh nghiệp kinh doanh các hàng hóa này theo mô hình công ích hoặc hạch toán kinh doanh thì mới có thể luân chuyển được những ngành hàng không thể để lâu, có như vậy mới đảm bảo chất lượng hàng hóa dự trữ không bị hư hao khi sử dụng.
“Nếu không có những doanh nghiệp này thì việc quản lý dự trữ quốc gia của chúng ta sẽ trở thành xơ cứng, cứ để 2-3 năm hết hạn mới xem xét thì lãng phí, không hiệu quả”, đại biểu Long nói.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh, dự luật cần quy định phương thức mua-bán các mặt hàng, vật tư thuộc danh mục dự trữ quốc gia cho phù hợp với tính đặc thù, hạn chế việc chỉ định mua-bán nhằm ngăn chặn các tiêu cực có thể phát sinh.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng, việc dự thảo luật quy định mục tiêu "bình ổn thị trường" của dự trữ quốc gia là chưa hợp lý bởi điều này có thể dẫn đến trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, phức tạp trong triển khai thực hiện. Để bình ổn thị trường, Nhà nước đã và đang áp dụng nhiều kênh, nhiều công cụ, biện pháp khác nhau, trong đó dự thảo Luật Giá mới đây cũng đã đề cập tới nhiệm vụ này. Trong khi đó, dù đề ra mục tiêu “bình ổn thị trường”, dự thảo luật lại chưa làm rõ trong điều kiện nào, tình huống nào thì được phép xuất nguồn lực quốc gia và thẩm quyền quyết định áp dụng bình ổn ra sao…
Thực tế, Việt Nam chưa từng xuất dự trữ quốc gia vì mục tiêu bình ổn thị trường, đảm bảo an sinh xã hội, nhưng hoạt động dự trữ quốc gia, qua việc mua, bán hàng hóa, vật tư, tuy không trực tiếp nhưng gián tiếp bình ổn thị trường. Vì vậy, dự luật cần thể hiện mục tiêu này cho phù hợp bản chất của dự trữ quốc gia.
"Theo tôi, chỉ cần ghi trong dự án luật mục tiêu đó là chủ động đáp ứng những yêu cầu đột xuất cấp bách về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, phục vụ cho quốc phòng an ninh, còn mục tiêu về ổn định kinh tế vĩ mô bảo đảm an sinh xã hội chúng tôi nghĩ rằng các đơn vị đã đang tổ chức thực hiện với những văn bản dưới luật hết sức có hiệu quả”, đại biểu Chu Sơn Hà – Hà Nội nói.
Liên quan đến phương thức dự trữ quốc gia, đại biểu Lê Bộ Lĩnh – An Giang đề nghị, dự trữ lương thực quốc gia là rất quan trọng, cần được đưa vào luật và quy định rõ như một mặt hàng dự trữ chiến lược và thuộc danh mục hàng đầu trong dự trữ quốc gia.
Các đại biểu cũng đề nghị, danh mục dự trữ quốc gia chỉ nên bao gồm hàng hóa, vật tư thiết yếu, không nên dự trữ bằng tiền, vàng.
“Nếu chúng ta dùng tiền, vàng thì vô hình chung giống quỹ dự trữ ngoại hối, quỹ dự phòng ngân sách… Thực chất trong những năm vừa qua, chúng ta chủ yếu dùng hàng hóa, vật tư để dự trữ, không dùng tiền. Do vậy, tôi thống nhất hình thức dự trữ chỉ là bằng vật tư, hàng hóa”, đại biểu Bùi Đức Thụ - Lai Châu nói.
Một nội dung khác cũng nhận được ý kiến góp ý của nhiều đại biểu là nguồn hình thành dự trữ quốc gia. Các đại biểu cho rằng, trong điều kiện hiện nay, khi tiềm lực ngân sách có hạn, để tăng cường sức mạnh dự trữ quốc gia, cần tạo cơ chế huy động toàn xã hội tham gia vào hoạt động dự trữ quốc gia. Dự luật quy định nguồn lực dự trữ quốc gia chủ yếu từ ngân sách nhà nước là chưa đủ.
"Chúng ta nên quy định thêm nguồn hình thành ngoài ngân sách Nhà nước, nhằm động viên sự đóng góp của doanh nghiệp và người dân tham gia vào hoạt động dự trữ quốc gia", đại biểu Nguyễn Văn Tuyết - Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất.
Các đại biểu cũng thống nhất cao với việc không quy định hàng năm, tăng mức dự trữ quốc gia, mà tùy theo yêu cầu tình hình và khả năng ngân sách, bố trí quy mô dự trữ quốc gia cho phù hợp với điều kiện đất nước.
Ủng hộ quan điểm này có đại biểu Trần Ngọc Vinh - Hải Phòng. Theo ông, việc qui định mức tăng dần hàng năm đối với nguồn dự trữ là không hợp lý, cần qui định mức dự trữ phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của từng năm và theo đó mức độ tăng trưởng kinh tế của từng thời kỳ. Bởi vì có nhiều mặt hàng năm nay cần dự trữ, nhưng những năm sau không cần phải dự trữ.
"Khối lượng dự trữ cũng có thể thay đổi theo tình hình. Vì vậy, không nên nhất thiết qui định mức dự trữ tăng dần theo hàng năm", đại biểu Vinh nói.
Dự thảo Luật Dự trữ quốc gia bao gồm 7 Chương và 63 Điều, bao gồm các quy định nhằm mục tiêu chủ động đáp ứng những yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh; góp phần bảo đảm an sinh xã hội để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Dự thảo Luật quy định 5 chính sách của Nhà nước về dự trữ quốc gia bao gồm: Phát triển dự trữ quốc gia; xây dựng, bố trí tổng mức dự trữ quốc gia đủ mạnh, đáp ứng kịp thời, hiệu quả mục tiêu của dự trữ quốc gia; phát triển khoa học công nghệ, hiện đại hóa hoạt động dự trữ quốc gia; chính sách tài chính, chính sách đãi ngộ phù hợp với đặc thù hoạt động của dự trữ quốc gia; khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dự trữ quốc gia. Danh mục hàng dự trữ quốc gia được xác định dựa trên khả năng đáp ứng mục tiêu của dự trữ quốc gia gồm 5 nhóm: Nhóm hàng bảo đảm an ninh kinh tế, an sinh xã hội; Nhóm hàng phục vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, cứu hộ, cứu nạn; Nhóm hàng phục vụ an ninh, quốc phòng và động viên công nghiệp; Nhóm hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và cấp cứu cho người; Nhóm hàng phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, cây trồng và nuôi trồng thủy sản. Dự thảo Luật cũng quy định chi cho tăng dự trữ quốc gia và mua bù hàng dự trữ quốc gia đã xuất trong năm kế hoạch thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách nhà nước và quy định về nguyên tắc mua, bán hàng dự trữ quốc gia phải tuân theo các quy định của pháp luật về đấu thầu, đấu giá; bổ sung các trường hợp áp dụng chỉ định thầu và đấu giá cụ thể trong việc mua, bán hàng dự trữ quốc gia để phù hợp với đặc thù của hoạt động dự trữ quốc gia và thẩm quyền, trình tự thực hiện chỉ định thầu được thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.