Chính trị

Cân nhắc kĩ lưỡng, thận trọng quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn

Mai Hữu17/03/2023 17:25

(HNMO) - Chiều 17-3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 21, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày tờ trình.

Bổ sung quy định xác lập và chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 chương, 196 điều. So với Luật Nhà ở năm 2014 thì dự thảo Luật sửa đổi đã tăng 13 điều; bãi bỏ 7 điều, giữ nguyên 47 điều; sửa đổi, bổ sung 104 điều; bổ sung mới 34 điều; Luật hóa từ Nghị định 11 điều.

Đối với quản lý, sử dụng nhà chung cư, dự thảo quy định cụ thể hơn các nội dung như cách xác định diện tích khác trong nhà chung cư; chỗ để xe của nhà chung cư; hội nghị nhà chung cư; Ban quản trị nhà chung cư; đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư; kinh phí bảo trì phần sở hữu chung (việc quản lý, sử dụng, cưỡng chế bàn giao kinh phí); việc bàn giao, khai thác, quản lý sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực có nhà chung cư...

Dự thảo bổ sung mới quy định về sở hữu nhà chung cư, bao gồm quy định xác lập và chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư; các trường hợp nhà chung cư phải phá dỡ; xử lý nhà chung cư khi bị phá dỡ; quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu sau khi nhà chung cư bị phá dỡ.

Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, dự thảo đã luật hóa một số quy định từ Nghị định lên luật như nguyên tắc thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư, lập, phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; quy hoạch khu vực cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; các hình thức cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; các cơ chế ưu đãi để thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư…

Quang cảnh phiên họp.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về việc Chính phủ đề xuất bổ sung mới quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn, qua nghiên cứu, thảo luận, trong Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội có 2 loại ý kiến. Ý kiến không tán thành đề xuất của Chính phủ đề nghị không bổ sung quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật mà vẫn giữ như hiện hành, đồng thời, bổ sung một số biện pháp, trình tự, thủ tục cụ thể liên quan đến phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; ý kiến tán thành quy định của dự thảo Luật.

“Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với loại ý kiến thứ nhất”, ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Thông tin thêm về ý kiến không tán thành quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, một số ý kiến cho rằng, quy định này có khả năng tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, có thể dẫn đến xu hướng “mua đất” thay mua nhà, phát triển hình thức phân lô bán nền khiến cho giá nhà đất tăng cao, cản trở mục tiêu chính sách phát triển nhà chung cư, nhất là ở các đô thị lớn; chưa giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa tài sản là nhà chung cư và tài sản là quyền sử dụng đất xây dựng nhà chung cư, theo đó, quyền sở hữu tài sản trên đất chấm dứt nhưng quyền sử dụng đất vẫn còn…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến.

Quyền sở hữu nhà chung cư là vấn đề hệ trọng và nhạy cảm

Về quyền sở hữu nhà chung cư, phát biểu ý kiến chỉ đạo, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là vấn đề hệ trọng và nhạy cảm được nhân dân, cử tri đặc biệt quan tâm và hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. Nhận định phương án Chính phủ trình có thời hạn, mục đích là vì bảo vệ lợi ích công cộng, vì sức khỏe, tính mạng của người dân, chứ không vì mục đích nào khác, nhưng Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần cân nhắc kĩ lưỡng, thận trọng, với các căn cứ cơ sở chính trị vững chắc, căn cứ Hiến pháp và các pháp luật có liên quan, trên cơ sở các vướng mắc thực tiễn với tinh thần vướng ở đâu sửa ở đó.

“Vướng trong sửa chữa, cải tạo nhà chung cư có thực sự xuất phát từ thời hạn sở hữu nhà chung cư hay không?”, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề và đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần tiếp tục thảo luận, làm rõ vấn đề này. Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay, ý kiến phản biện chính sách của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ băn khoăn và không tán thành quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn.

Thời hạn sử dụng nhà chung cư là khái niệm về mặt kỹ thuật xây dựng, khác với khái niệm về quyền sở hữu là một khái niệm về pháp lý. Từ nhận định trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, quy định về xác lập và chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư vô hình trung gây ra sự nhầm lẫn về khái niệm quyền sở hữu và thời gian sử dụng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu.

Nhấn mạnh việc quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư nếu không xử lý tốt sẽ gây bất an trong tâm lý xã hội, ảnh hưởng đến thị trường nhà chung cư, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, cần làm rõ, khi thời hạn sử dụng nhà chung cư đã hết thì quyền sở hữu chung cư vẫn được Nhà nước bảo hộ và có các phương thức bảo vệ thiết thực theo hướng thỏa thuận hài hòa lợi ích các bên liên quan.

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về nội dung liên quan đến thời hạn sở hữu nhà chung cư, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng sẽ nghiêm túc rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, quy định rõ hơn để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, đồng thời, cũng bảo đảm được mục tiêu cải tạo chung cư cũ, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận phiên thảo luận.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở; đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ năm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo, thẩm tra phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để bảo đảm quy định của dự án Luật này phù hợp với các văn bản pháp luật liên quan, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và cả các luật đang được sửa cùng thời điểm, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến tại phiên họp, ý kiến các cơ quan, tổ chức, nhân dân, trong đó lưu ý không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, nhưng cần có quy định cụ thể về việc Nhà nước có quyền quyết định, có trách nhiệm trong việc tổ chức di dời, sửa chữa, cải tạo với các nhà chung cư không còn an toàn để bảo đảm sức khỏe, an toàn của người dân. Nếu Chính phủ có phương án khác thì cần trình hai phương án, nêu rõ ưu điểm, nhược điểm, trình bày một cách toàn diện, lập luận rõ ràng, làm cơ sở để các đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến, quyết định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cân nhắc kĩ lưỡng, thận trọng quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.