(HNM) - Vùng lõi đô thị Hà Nội có cấu tạo địa chất, địa hình phức tạp nên chống úng ngập luôn là bài toán khó và ngày càng khó hơn trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu tiếp tục gia tăng.
Trước đây, do quy mô dân số và mật độ xây dựng thấp nên việc tiêu thoát nước cho Hà Nội chủ yếu dựa vào tiêu thoát tự nhiên qua các sông Nhuệ, Tô Lịch, Lừ và Sét… Cùng với đó là hệ thống các ao, hồ. Nhưng vài mươi năm trở lại đây, mọi sự đã thay đổi, hồ, ao bị san lấp, lấn chiếm, những khu đô thị mới mọc lên. Úng ngập cục bộ thường xuyên xảy ra và đã đến lúc phải có tầm nhìn dài hạn, phải gắn bài toán thoát nước đô thị với câu chuyện phát triển thành phố.
Tại hội thảo về “Giải pháp phòng chống úng ngập” vừa được thành phố tổ chức, giới chuyên gia đã đưa ra nhiều vấn đề rất đáng suy nghĩ. Đó là xu hướng bê tông hóa bề mặt và lượng nước thải tại Hà Nội tăng trên 3,5 lần so với những năm 1980 nên hệ thống cống dù đã được đầu tư nhưng vẫn xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ khi có mưa lớn. Rồi những bất cập trong quy hoạch hệ thống trạm bơm tiêu thoát, rồi việc Hà Nội chưa có hệ thống giám sát, cảnh báo và điều hành đồng bộ chống ngập...
Trước đây, Hà Nội có nhiều hồ điều hòa và diện tích đất tự ngấm nhưng hiện nay, lòng đường, vỉa hè bị bê tông hóa, diện tích ao, hồ bị thu hẹp dẫn tới việc tiêu thoát nước dồn hết cho hệ thống cống ngầm vốn đã quá tải. Không những vậy, hệ thống thoát nước được xây dựng qua nhiều giai đoạn, chắp vá, không bao phủ được các khu vực trong đô thị và việc thiếu cống để thu nước thoát cho các tiểu khu, khu dân cư cũng là nguyên nhân gây ngập úng. Nhìn chung, công tác quy hoạch hệ thống thoát nước đô thị luôn “chạy sau” các quy hoạch khác ở các khu đô thị, tuyến đường mới và luôn trong cảnh bị động ở những điểm dân cư cũ đang đô thị hóa nhanh. Mặt khác, những xung đột trong quá trình đô thị hóa cùng tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu đã khiến nhiều phương án (kèm với đó là hàng nghìn tỷ đồng) chống úng ngập trở thành... giải pháp tình thế.
Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy, cùng với việc sửa chữa, nâng cấp, nâng cao hiệu suất tiêu thoát của hạ tầng thoát nước hiện có, cần tập trung nguồn vốn đầu tư hệ thống thoát nước đồng bộ. Và để đáp ứng số lượng dân cư ngày càng gia tăng thì việc yêu cầu từng phân khu đô thị có hồ điều hòa, các bãi cỏ, vỉa hè tự thấm nước khi duyệt quy hoạch là cần thiết, thậm chí phải xem đó là việc bắt buộc. Và nữa, việc san lấp ao hồ để xây khu đô thị cũng như “bê tông hóa” các hồ ở nội đô như hiện nay cũng cần phải tính toán trên cơ sở đánh giá mặt được, chưa được trước khi triển khai ở các ao, hồ còn lại.
Về lâu dài, cần một giải pháp tổng thể như hoàn thiện và cải tạo hệ thống sông, kênh và hồ điều hòa; nâng cấp và mở rộng hệ thống thoát nước; đồng thời phải xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo, điều hành... Một tín hiệu vui là 5 năm tới, Hà Nội sẽ xây 25 công viên với 5 công viên đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài chức năng phủ xanh đô thị, những công trình này sẽ có hệ thống hồ điều hòa, cây xanh, thảm cỏ…, hình thành các vùng tiểu khí hậu ôn hòa, trong lành hơn.
Hiện nay, xu hướng “xanh hóa” công trình xây dựng, “xanh hóa” đô thị đang được nhiều quốc gia lựa chọn nhằm chống lại biến đổi khí hậu, trong đó có việc giảm ngập úng cho đô thị. Đây là một định hướng rất cần được lưu tâm khi tính toán đầu tư các công trình xây dựng để bảo đảm phát triển đô thị bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.