(HNM) - Hôm qua, có báo điện tử đưa bài "Bánh kẹo Trung Quốc sản xuất ở Hà Nội, đèn Trung Quốc in mác Rạng Đông" (chữ viết tắt được sử dụng trong tiêu đề bài báo này) - dẫn ý kiến của đại diện lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tại hội thảo Chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu trong hội nhập AFTA và TPP.
Bạn đọc, khi tiếp cận thông tin, chắc không còn cảm thấy "sốc" nữa, bởi đã phải nghe, xem, đọc quá nhiều thông tin thuộc dạng này. Như mới hôm qua, hôm kia là tin về một loại thực phẩm chức năng có chứa chất kích dục, là lời cảnh báo về một loại hóa chất đã được sử dụng để biến cá ươn, sắp chết thành cá tươi… Gõ từ khóa "thịt thối" của một báo điện tử, internet cho danh mục dài dằng dặc, nào "Thịt thối - hành trình từ chợ tới bàn ăn", "Hơn 200kg thịt lợn thối suýt tuồn ra Bắc", "Gần 5 tấn thịt thối bị tiêu hủy", "Nhà hàng phục vụ tiệc cưới bằng thịt thối", "Thịt thối liên tiếp đổ bộ về Sài Gòn dịp cuối năm"…
Thông tin về thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và không an toàn ngày một xuất hiện với tần suất dày hơn, kèm theo đó là thông tin xử lý vi phạm từ phía cơ quan quản lý. Chẳng hạn, thống kê cho thấy từ đầu năm 2015 tới hết quý III, cả nước đã huy động hơn 20.000 đoàn thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và chỉ tính riêng lĩnh vực này, số tiền phạt lên tới hơn 24 tỷ đồng. Có khoảng một nửa số cơ sở vi phạm chỉ bị cảnh cáo, số bị phạt hành chính còn ít hơn dù thống kê cho thấy có hơn 4.000 loại sản phẩm bị buộc tiêu hủy…
Đề cập tới thông tin về tình hình vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm nói riêng và công tác quản lý thị trường, sản xuất, lưu thông hàng hóa nói chung, tất yếu phải đặt ra câu hỏi: Vì sao chúng ta huy động hàng nghìn đoàn thanh, kiểm tra, xử lý hành chính đối với hàng chục nghìn cơ sở vi phạm quy trình bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (chỉ tính trong 9 tháng qua) mà "bệnh" không dứt, mỗi ngày lại có thêm sự vụ mới bị phát hiện? Có phải ý thức chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá là nguyên nhân duy nhất khiến cho một bộ phận giới sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vẫn lao đầu vào việc sai dù biết rằng sự sai đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng?... Nghiêm túc tìm câu trả lời cho những vấn đề nêu trên thì phải thẳng thắn thừa nhận rằng cách thức xử lý vi phạm mà chúng ta đang áp dụng chưa đem lại hiệu quả; trách nhiệm và hiệu quả quản lý thị trường chưa đạt yêu cầu. Hạn chế này đã được nói tới nhiều, không thiếu sự gay gắt nhưng vì sao sự thể không khá lên được? Có phải hiệu quả quản lý thị trường còn hạn chế chủ yếu là do cơ quan quản lý không có đủ lực lượng hay không?
Bữa ăn, cái mặc, đồ dùng hằng ngày liên quan trực tiếp đến chất lượng sống, sức khỏe của toàn thể nhân dân, đòi hỏi tinh thần, trách nhiệm quản lý thị trường liên quan phải được thể hiện một cách tối đa. Thực phẩm "bẩn", có chứa chất độc hại âm thầm tàn phá sức khỏe giống nòi, là tác nhân gây bệnh trọng và bởi vậy, những ai gián tiếp hoặc trực tiếp tạo ra vấn nạn này đều phải bị xử lý ở mức độ tương xứng với hành vi và mối nguy hiểm mà họ tạo ra cho cộng đồng. Mối nguy hiểm là rất cao thì hình phạt cũng phải tăng cao; cơ quan quản lý thị trường, địa bàn phải được xem xét trách nhiệm một cách thỏa đáng khi để xảy ra hiện tượng tái diễn vi phạm ở nơi mình được phân công trách nhiệm quản lý, giám sát.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.