Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần mô hình phù hợp

Bảo Chân| 27/01/2011 07:24

(HNM) - Hiện nay lực lượng lao động khu vực nông thôn có khoảng 34,8 triệu người, chiếm trên 62% tổng số lao động trong cả nước. Trong khi đó, mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm khoảng 85% trong GDP; tỷ lệ lao động nông nghiệp còn khoảng 30% trong lao động xã hội. Vì vậy, cần phải có một mô hình đào tạo nghề phù hợp nhằm chuyển dịch cơ cấu nghề cho lao động nông thôn.

Đào tạo nghê may cho lao động nông thôn tại Thanh Hóa. Ảnh: Cẩm Hoài

Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đã và đang thúc đẩy quá trình "công nhân hóa" lao động nông nghiệp. Do chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp có người trở thành công nhân công nghiệp, có người làm nghề mới mà bản thân chưa có đủ trình độ, kiến thức cần thiết… Vì vậy, trong "Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" Chính phủ chỉ đạo tập trung đào tạo nghề cho các nhóm đối tượng là nông dân được đào tạo để trở thành những nông dân làm nông nghiệp hiện đại; để chuyển nghề thành lao động phi nông nghiệp tại nông thôn hoặc trở thành công nhân công nghiệp; để phục vụ xuất khẩu lao động; trở thành các nhà quản lý sản xuất ở nông thôn hoặc trở thành các cán bộ thôn, xã.

Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện đề án, nhiều nơi, nhiều vùng, người nông dân tỏ ra không mặn mà với các chương trình đào tạo của các trung tâm dạy nghề nên có những lớp nghề chỉ 1-2 người đăng ký học, bởi họ cho rằng những nghề đó không phù hợp hoặc không có khả năng tiếp cận với cơ hội việc làm. Theo PGS-TS Mạc Văn Tiến (Tổng cục Dạy nghề) việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần phải có những cách thức tổ chức phù hợp với từng nhóm đối tượng. Để xây dựng được các mô hình dạy nghề phù hợp, cần điều tra, khảo sát nhu cầu sử dụng nhân lực đã qua đào tạo nghề trong các ngành kinh tế, vùng kinh tế và từng địa phương. Việc "nắm" nhu cầu phải đi trước một bước và phải triển khai thường xuyên với quy mô và mức độ khác nhau, kịp thời bổ sung những thông tin nhu cầu về những nghề mới với quy mô và trình độ phù hợp. Nhu cầu sử dụng lao động chính là "đầu ra" của đào tạo, qua đó có thể biết được cần đào tạo những nghề gì với trình độ nào. Phân nhóm đối tượng để tổ chức các khóa đào tạo phù hợp về thời gian, về mức độ phức tạp của nghề mới. Riêng với nhóm đối tượng nông dân đào tạo để làm nông nghiệp hiện đại, các khóa đào tạo cần gắn với việc vừa học, vừa làm hoặc phải lựa chọn thời gian nông nhàn của người dân để tổ chức khóa học cho phù hợp. Mặt khác, do tính đa dạng của vật nuôi, cây trồng nông nghiệp, các khóa học nên được tổ chức gắn với thời kỳ sinh trưởng của vật nuôi, cây trồng. Điều này đòi hỏi việc xây dựng chương trình đào tạo phải rất linh hoạt và khoa học.

Đưa ra mô hình, PGS-TS Mạc Văn Tiến cho rằng, dạy nghề cho lao động nông thôn có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như dạy tại các cơ sở dạy nghề; dạy nghề theo đơn đặt hàng của các tập đoàn, tổng công ty; dạy nghề lưu động (tại xã, thôn, bản); dạy nghề tại doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; dạy nghề gắn với các vùng chuyên canh, làng nghề... Phương thức đào tạo cũng cần phải đa dạng hóa như đào tạo tập trung tại cơ sở dạy nghề đối với những nông dân chuyển đổi nghề nghiệp (trung tâm dạy nghề, trường trung cấp, cao đẳng nghề, các trường khác có tham gia dạy nghề...); đào tạo nghề lưu động cho nông dân tại các làng, xã, thôn, bản; dạy nghề tại nơi sản xuất, tại hiện trường... Song dù đào tạo theo hình thức nào thì vai trò chủ động của cơ quan quản lý nhà nước cũng phải được thể hiện một cách rõ nét. Ví dụ đào tạo nghề cho lao động trong các vùng chuyên canh, ngành LĐ-TB&XH và các bộ có liên quan cần phối hợp với các tổng công ty có các vùng chuyên canh như thuốc lá, chè, cao su, cà phê... thông qua các trung tâm kỹ thuật của các tổng công ty, trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo cho nông dân các vùng chuyên canh. Như vậy, hiệu quả học nghề và hiệu quả sản xuất sẽ đáp ứng được các tiêu chí nghề nghiệp và đáp ứng được các yêu cầu về đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Có thể thấy, có rất nhiều mô hình đào tạo khác nhau đem lại hiệu quả cho người nông dân chuyển đổi nghề nghiệp, chỉ cần cơ quan quản lý nhà nước có sự điều tra, khảo sát các yếu tố liên quan đến thị trường lao động và nghề nghiệp phù hợp với khả năng của lao động nông nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần mô hình phù hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.