Cần có chính sách như thế nào để tuyển dụng được nhân tài thực sự, giữ chân được công chức, viên chức ở lại làm việc... là một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Cần có chính sách như thế nào để tuyển dụng được nhân tài thực sự, giữ chân được công chức, viên chức ở lại làm việc... là một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Ảnh: Viết Tôn |
Sáng 17-4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Theo Tờ trình của Chính phủ, nội dung chính của dự án Luật tập trung vào các nhóm vấn đề: Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng đã được ghi rõ trong Nghị quyết; sửa đổi, bổ sung các điều để định hướng phát triển trong thời gian tới theo chủ trương, đường lối của Đảng và sửa đổi các nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Thảo luận về vấn đề các nội dung sửa đổi để định hướng phát triển lâu dài theo chủ trương của Đảng, đa số các ý kiến cho rằng, dự thảo Luật quy định theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết khung cơ chế, chính sách thu hút và chế độ đãi ngộ đối với người có tài năng. Tại Điều 6 về chính sách đối với người có tài năng quy định: Nhà nước có chính sách phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng. Chính phủ quy định chi tiết khung cơ chế, chính sách thu hút và chế độ đãi ngộ đối với người có tài năng. Căn cứ vào quy định của Chính phủ, người đứng đầu cơ quan quản lý cán bộ, công chức quy định chế độ sử dụng, đãi ngộ người có tài năng áp dụng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
Báo cáo thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận thấy, Điều 6 của Luật hiện hành đã có quy định về chính sách đối với người có tài năng và thực tiễn thời gian qua một số nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này đã phát huy những hiệu quả nhất định. Bên cạnh đó, lĩnh vực, ngành, nghề cần thu hút người có tài năng rất rộng, mỗi lĩnh vực có những đặc thù riêng nên việc quy định cụ thể hết các nội dung trong Luật là không khả thi.
Do đó, Ủy ban Pháp luật tán thành đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết về khung cơ chế, chính sách đối với người có tài năng. Tuy nhiên, để thể chế hóa đầy đủ yêu cầu của nghị quyết Trung ương, Ủy ban Pháp luật đề nghị sửa thành Chính phủ quy định chi tiết khung cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và chế độ đãi ngộ người có tài năng.
Có ý kiến đề nghị bổ sung khái niệm “người có tài năng” trong Luật để thống nhất cách hiểu; đồng thời bổ sung quy định để điều chỉnh các trường hợp sau khi thu hút nhưng người này không thể hiện được tài năng trong công việc được giao.
Làm rõ vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng, khi đã có chính sách đối với người có tài năng, thì cũng cần có chính sách cho nhân tài. “Cho nên dự thảo Luật cần thêm cụm từ 'đối với người có tài năng và nhân tài'. Người có tài năng và tài giỏi là tiềm năng nhưng nhân tài là phải có thời gian học tập, công tác và cống hiến. Nếu không có chính sách với nhân tài thì sẽ khó thu hút được chất xám của nhân tài. Luật cần ghi rõ để chính sách có tính bao quát, phù hợp với chính sách chung của Nhà nước để nhân tài phấn đấu...”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến nói.
Ông Hà Ngọc Chiến cũng cho rằng, ở các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trước đây địa phương thường áp dụng chính sách cử tuyển công chức, viên chức và có trách nhiệm bố trí công việc cho họ. Nhưng nay, công chức, viên chức cấp xã phải qua thi tuyển. Đối với học sinh cử tuyển khi thi tuyển về địa phương và địa phương cử đi học, khi trở về công tác, chế độ chính sách, bố trí công việc cho cán bộ, viên chức cử tuyển ra sao?… "Tại Khoản 2, Điều 4 mới đưa việc công chức từ cấp huyện trở lên, còn ở cấp xã thì không đề cập. Vậy việc liên thông cán bộ cấp xã sẽ như thế nào? Bởi họ cũng được hưởng lương, thi tuyển rõ ràng như công chức cấp huyện, tỉnh", ông Hà Ngọc Chiến nêu.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, đã có cơ chế tuyển dụng người tài thì cũng cần có chính sách tuyển dụng người chưa tài thông qua chế độ cử tuyển.
Về phần mình, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết: “Trong thực hiện chính sách thu hút, đãi ngộ đối với viên chức vẫn còn gặp một số khó khăn về cơ chế và tiền lương, đãi ngộ nhân tài mang tính bình quân, chưa tạo động lực mạnh mẽ cho sự sáng tạo, chính sách đãi ngộ viên chức chưa thực sự thỏa đáng, còn có sự cào bằng đối với mọi thành phần, không phân biệt được tài hay không phải người tài”.
Kết luận phần thảo luận về Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, cần cân nhắc xem cái gì quy định trong Luật, cái gì thì quy định trong Nghị định của Chính phủ. Tác động của chính sách này với nhân tài, người tài năng như thế nào; sắp xếp công chức, viên chức thì nguồn lực tài chính sẽ là bao nhiêu?
“Về chính sách thu hút tài năng, chúng ta đã có rải rác trong các Nghị định, văn kiện của Đảng thì ta cần xem lại để áp dụng chính sách đãi ngộ người có tài thực sự phát huy được năng lực. Rõ ràng tình trạng chảy máu chất xám, không thu hút được người tài năng là do chính sách của ta còn có những bất cập”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.