(HNM) - Qua 5 đợt kiểm định với 377 nhà chung cư cũ, cơ quan chức năng thành phố Hà Nội xác định có 7 chung cư thuộc nhóm nguy hiểm cấp độ D - cấp cao nhất, phải xây dựng mới, ưu tiên làm ngay vì có nguy cơ sụp đổ. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, vẫn còn 5 chung cư cũ chưa thể di dời hết số hộ dân để phá dỡ, xây dựng lại.
Nguyên nhân chính là do quy định pháp luật về cải tạo chung cư cũ nói chung, nhà chung cư nguy hiểm nói riêng chưa đầy đủ, còn bất cập. Đơn cử như theo Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, trước khi tổ chức hội nghị cư dân, lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án xây dựng lại thì phải có quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trong khi đó, với chung cư nguy hiểm cấp độ D, yêu cầu đầu tiên là phải di dời ngay cư dân và tài sản. Cũng vì chưa thể chọn được nhà đầu tư nên một số hộ dân dù hiểu việc di dời khỏi nhà nguy hiểm là để bảo đảm an toàn cho tính mạng, tài sản của bản thân nhưng không đồng thuận bởi chưa biết tiến độ xây dựng lại, cơ chế đền bù, tái định cư ra sao...
Đối với chính quyền các cấp, do thiếu thông tin về quy hoạch, chủ đầu tư, chính sách đền bù, tái định cư…, nên gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động, đối thoại để tìm sự đồng thuận của các hộ dân. Khi việc di dời hộ dân còn “loay hoay” chưa tìm được lối ra, các địa phương chỉ có thể gia cố tạm chung cư nguy hiểm, theo dõi, sẵn sàng phương án ứng phó mỗi khi đến mùa mưa bão, thay vì các giải pháp mang tính dài hạn.
Do vậy, sớm bổ sung, sửa đổi bất cập trong quy định về cải tạo chung cư cũ chính là “nút thắt” cần phải tháo gỡ. Trong số hơn 1.000 chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội chưa được kiểm định, chắc chắn sẽ có không ít chung cư xuống cấp nghiêm trọng. Tín hiệu đáng mừng là các đề xuất mới đây của Hà Nội, như: Xác định vai trò của Nhà nước trong kiểm tra, kiểm định chất lượng chung cư cũ; lập quy hoạch chi tiết và xác định phạm vi dự án ngay khi lập, trình duyệt quy hoạch làm cơ sở lựa chọn chủ đầu tư… đã được Bộ Xây dựng thống nhất khi tham mưu sửa đổi Nghị định số 101/2015/NĐ-CP. Nghị định sửa đổi này Trong khi chờ ban hành quy định mới để tháo gỡ các bất cập, các cấp, ngành của thành phố cần sớm triển khai việc rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng các chung cư cũ trên địa bàn; lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ… Đây chính là những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được chỉ rõ tại Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Phần việc này, theo chủ trương của thành phố, sẽ sử dụng nguồn vốn ngân sách để bảo đảm chủ động, làm cơ sở để lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ và kêu gọi nhà đầu tư tham gia.
Với chính quyền cơ sở, cần thông tin đầy đủ về các khu chung cư cần cải tạo để người dân biết. Khi thông tin minh bạch, rõ ràng, chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận của người dân. Về phía người dân, khi đã có cơ chế rõ ràng, cần ủng hộ dự án, vì sự an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.
Việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ chỉ được đẩy nhanh tiến độ khi giải được bài toán tổng thể - vừa đúng với quy định pháp luật, vừa phát huy tối đa giá trị quỹ đất, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà nước và chủ đầu tư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.