Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cân đối cung - cầu

Thế Văn| 27/07/2020 06:19

(HNM) - Mặc dù trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm thịt lợn nhập từ Nga, Mỹ, Ba Lan..., song trên thị trường tuần qua vẫn xuất hiện một vài đợt sóng tăng giá mới. Điều đó cho thấy việc giải bài toán nguồn cung thịt lợn vẫn còn nhiều khó khăn.

Thời gian qua, bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra đã phá vỡ thế cân bằng của nguồn cung - cầu trên thị trường. Nhằm bù đắp thiếu hụt và bình ổn giá, Bộ NN&PTNT đã phối hợp cùng các ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc nhập khẩu thịt lợn từ nhiều quốc gia. Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu 91.703 tấn thịt lợn các loại, tăng 300% so với cùng kỳ năm 2019; việc nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan cũng được triển khai..., nhưng vẫn có khoảng cách khá xa so với tổng nhu cầu thị trường trong nước.

Để giảm áp lực nguồn cung, việc tái đàn lợn trong nước đã được tính toán, song quá trình triển khai vẫn có những trở ngại. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tới 65% thị phần trong nước nhưng không thể đẩy nhanh tốc độ tái đàn vì giá con giống quá cao; mặt khác, trong điều kiện chăn nuôi không bảo đảm an toàn sinh học, bệnh Dịch tả lợn châu Phi có thể trở lại bất cứ lúc nào khiến người chăn nuôi dễ rơi vào cảnh “trắng tay”...

Thiếu nguồn cung là nguyên nhân chủ yếu khiến giá thịt lợn luôn “neo” ở mức cao trong thời gian dài. Tuy nhiên, không thể không nói đến việc thị trường bị “làm giá” hay chi phí trung gian quá cao, lên tới 40% giá thành sản phẩm.

Từ những bất cập trên có thể nhận thấy, việc cần làm trong trước mắt và lâu dài là ổn định chăn nuôi lợn trong nước, hướng đến phát triển bền vững ngành chăn nuôi để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo điều hành giá để bàn về giải pháp bình ổn giá thịt lợn, thúc đẩy sản xuất và chế biến nông sản mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nguồn cung chưa bảo đảm thì giá thịt lợn là giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước, trong đó tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và cân đối cung cầu để bình ổn giá thịt lợn…

Để cân đối cung - cầu, bình ổn giá thịt lợn thì bên cạnh những giải pháp thị trường như nhập khẩu thịt, ngăn chặn các hiện tượng “làm giá”, việc quan trọng là kiểm soát rủi ro trong sản xuất, giảm chi phí để hạ giá thành. Theo đó, các cấp, ngành cần có những chính sách phù hợp với từng giai đoạn để khuyến khích, hỗ trợ người chăn nuôi trong tái đàn. Việc này không chỉ dừng lại ở sự hỗ trợ bằng tiền mà còn cần cả hướng dẫn về phương thức chăn nuôi, cách phòng, chống bệnh để người nuôi tránh được những rủi ro. Khi các cơ chế, chính sách khuyến khích dành cho người chăn nuôi đã được các cấp, các ngành ban hành thì các đơn vị liên quan phải triển khai khẩn trương, để việc tái đàn đạt hiệu quả cao nhất.

Cùng với đó, cần xây dựng mối hợp tác chặt chẽ giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp trong hình thành các chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Điều này có ý nghĩa quan trọng cho cả trước mắt và lâu dài bởi hoạt động này không chỉ giúp hạ giá thành sản phẩm, ngăn ngừa dịch bệnh trong chăn nuôi, mà đó còn là nền tảng để xây dựng một nền chăn nuôi hiện đại, phát triển bền vững.

Trong thời điểm nguồn cung thịt lợn còn thiếu hụt, nên chăng các ngành cần có những cú hích, kích cầu tiêu dùng ở nhóm sản phẩm hàng hóa thay thế thịt lợn để dần thay đổi cơ cấu bữa ăn của người Việt... Chỉ khi đồng bộ giải pháp thì thị trường thịt lợn mới dần trở lại thế cân bằng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cân đối cung - cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.