Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần cơ quan điều phối sử dụng nguồn nước

Phương Nhi| 24/09/2016 08:19

(HNM) - Nước là nguồn tài nguyên thiết yếu cho cuộc sống của con người và sự phát triển bền vững của mọi quốc gia. Ở Việt Nam, tài nguyên nước càng quan trọng khi tỷ lệ nước dùng cho sản xuất, canh tác vẫn chiếm từ 74% đến 85% do cơ bản vẫn là quốc gia nông nghiệp.

Sông Mê Kông cung cấp nguồn nước chủ yếu cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.



Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá phong phú cả về lượng mưa, nguồn nước mặt trong các hệ thống sông, hồ và nguồn nước ngầm. Theo thống kê, Việt Nam có 108 lưu vực sông, 3.450 sông, suối, với tổng lượng nước trung bình hằng năm khoảng 830 tỷ mét khối, nhưng chủ yếu bắt nguồn từ nước ngoài và tập trung ở một số lưu vực sông lớn; lượng nước nội sinh chỉ chiếm khoảng 37% tổng lượng nước, bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 9.000m3/năm. Nước ngầm dù có tiềm năng ước tính khoảng 63 tỷ mét khối/năm, nhưng chỉ tập trung ở một số khu vực như: Đồng bằng Bắc Bộ, Đồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Nam Bộ, dù hệ thống kênh rạch, sông, suối dày đặc nhưng lại nằm hầu hết ở phía hạ lưu; tính cạnh tranh trong khai thác, sử dụng ngày càng tăng, đặc biệt là việc sử dụng nước ở thượng lưu và hạ lưu các sông lớn có hồ chứa thủy điện. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết, môi trường cũng tác động không nhỏ tới nguồn nước. Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, tác động của El Nino năm 2014-2016, với cường độ tương đương đợt El Nino mạnh kỷ lục năm 1997-1998, đã tác động không nhỏ đến đời sống người dân. Mùa mưa đến chậm, kết thúc sớm làm tổng lượng mưa trên lưu vực sông Mê Kông thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20% đến 50%. Năm 2015 chỉ xuất hiện lũ nhỏ dẫn đến dòng chảy chuyển tiếp đầu mùa khô từ thượng lưu về Đồng bằng sông Cửu Long ở mức thấp nhất trong lịch sử. Ngay từ đầu mùa khô năm 2015-2016, vì thiếu nước ngọt, nồng độ mặn 4g/l xuất hiện trong tháng 1-2016 có phạm vi ảnh hưởng từ 40 đến 60km. Một số tỉnh có xâm nhập mặn đến mức báo động là Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu… Tiến sĩ Lương Quang Xô, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho biết, trong đợt hạn hán năm 2016, có khoảng 160.000ha lúa bị thiệt hại, ước tính khoảng 800.000 tấn lúa bị mất trắng.

Theo các chuyên gia, với những thách thức này, việc định hướng và có giải pháp thích hợp để quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước là hết sức cần thiết. Theo Tiến sĩ Lương Quang Xô, giữa sông Tiền và sông Hậu chưa có ban quản lý quy hoạch chung. Hệ thống đê bao mỗi tỉnh làm theo quy hoạch riêng nên làm thay đổi dòng chảy, gây nên tình trạng sạt lở, xâm nhập mặn. Để giải quyết vấn đề này, các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần liên kết trong sử dụng nguồn tài nguyên nước. Trong đó, những công trình thủy lợi giữa các tỉnh trong khu vực như: Hệ thống thủy lợi Bắc Vàm Nao, Nam Vàm Nao, Nam Mang Thít, Bắc Bến Tre, hệ thống cống các sông lớn… sẽ đóng vai trò quan trọng để kiểm soát xâm nhập mặn, cấp nước tưới và sinh hoạt, kiểm soát lũ, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước… hướng tới sử dụng nguồn tài nguyên nước bền vững và hiệu quả hơn.

Mặt khác, Ngành Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Tài nguyên nước năm 2012; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác sử dụng nước, xả nước thải, bảo vệ tổng lượng nước, chất lượng nước. Kiểm soát chặt các hoạt động khai thác tài nguyên nước, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt các nguồn nước ngay từ khi triển khai đầu tư các dự án phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần cơ quan điều phối sử dụng nguồn nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.