(HNM) - Ngày 23-9, phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc sau 11 ngày làm việc.
Trước đó, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Luật Đầu tư công và dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi. Dự thảo Luật Đầu tư công (6 chương với 74 điều) quy định toàn bộ quá trình quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước (NSNN), công trái quốc gia, trái phiếu chính phủ, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các khoản vốn vay của ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng... Riêng nguồn vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp nhà nước không đưa vào phạm vi điều chỉnh luật này, dự kiến sẽ quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Đáng lưu ý, để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, nhất là hiện tượng làm đường kéo dài tới 5-10 năm, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của người dân, dự thảo luật nêu rõ, cơ quan chức năng chỉ được phê duyệt chương trình, dự án khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.
Thẩm tra sơ bộ dự luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH nhận định, dự thảo luật đã được chuẩn bị nghiêm túc, công phu nhưng vẫn có một vài điểm không hợp lý. Điển hình là việc Ban soạn thảo chưa nêu rõ ban hành luật này sẽ bãi bỏ hay sửa đổi những quy định nào ở các luật khác có cùng nội dung liên quan như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Phòng, chống tham nhũng…
Đi vào chi tiết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu ý kiến, xây dựng Luật Đầu tư công phải có cơ chế khắc phục được tình trạng chủ thầu trúng thầu trăm tỷ đồng nhưng thanh toán vài trăm tỷ đồng (vì tăng giá vật liệu, tăng lương, tăng thời gian thi công, điều chỉnh thiết kế kỹ thuật - PV). Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ, khi luật ra đời sẽ góp phần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán hiện nay; chống thất thoát, lãng phí ở mức nào? Không tính toán được điều này thì không có cơ sở chống được tham nhũng, lãng phí.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.