(HNM) - Thương mại điện tử đang là mô hình kinh doanh có mức tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng khoảng 25%/năm. Trong 4 năm tới, quy mô thị trường này được dự đoán có thể đạt tới 10 tỷ USD, và Việt Nam được đánh giá là một thị trường có tốc độ phát triển thương mại điện tử nhanh nhất Đông Nam Á.
Trong năm 2017, hai thương vụ đầu tư lớn tại Việt Nam là của nhà bán lẻ trực tuyến nổi tiếng Alibaba rót 1 tỷ USD vào Lazada, trong khi Tiki nhận 44 triệu USD từ một hãng bán lẻ khổng lồ khác là JD (một đối thủ của Alibaba tại thị trường Trung Quốc) như mang đến luồng gió mới cho lĩnh vực này.
Năm 2014, Thủ tướng đã phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014-2020 và mới đây nhất là phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020. Đây được xem là bước hoàn thiện hạ tầng pháp lý cho thương mại điện tử, theo kịp thực tiễn phát triển.
Tuy nhiên, để thương mại điện tử có thể phát huy hiệu quả tối đa, các doanh nghiệp Việt Nam và cơ quan liên quan cần phải khắc phục nhiều rào cản và khó khăn. Điều đó không chỉ tạo hành lang cho thương mại điện tử phát triển mà còn tạo cơ chế quản lý tốt nhất cho Nhà nước đối với lĩnh vực này.
Thực tế, cũng trong năm 2017, đồng thời với việc hai công ty lớn đầu tư vào Việt Nam thì cũng có những tên tuổi của lĩnh vực thương mại điện tử như Zalora “dứt áo ra đi” hay Ebay chưa thể đặt chân vào Việt Nam. Điều này cho thấy, thị trường kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam có rất nhiều lợi thế, nhưng cũng còn nhiều vấn đề cần khai thông. Những bất cập của thị trường thương mại điện tử hiện nay là hạ tầng chưa đồng bộ, việc thực hiện thao tác thương mại trên môi trường điện tử mới chỉ ở mức độ rất thấp. Nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam mới chỉ có một thị trường mang tính bán sơ khai chứ chưa thực sự chuyên nghiệp.
Mua bán trực tuyến việc đầu tiên là dựa vào lòng tin. Phải tin mới mua. Thế nhưng tập quán thương mại của người dân hiện nay vẫn là dùng tiền mặt, mua sắm nhỏ lẻ; hoặc tình trạng hàng giả, hàng nhái chưa thể kiểm soát... được cho là những rào cản lớn, khiến ngành thương mại điện tử phát triển không bền vững.
Nói như vậy để thấy, muốn "đãi vàng" từ thị trường màu mỡ này thì phải có những chính sách mang tính cởi mở, tạo thuận lợi, song cũng cần có những biện pháp mạnh tay, nghiêm trị người bán hàng giả, hàng kém chất lượng, có những hành lang pháp lý ràng buộc chặt chẽ giữa bên mua và bên bán, bảo đảm được quyền lợi người dân. Bên cạnh đó, là các chính sách liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là các vấn đề về kiểm soát thuế và chống chuyển giá... cần được hoàn thiện.
Có thể nói, muốn kiểm soát và thúc đẩy thị trường thương mại điện tử phát triển, không để "vàng rơi" thì trước mắt chính các doanh nghiệp phải thoát khỏi tư duy "ăn xổi", biết chấp nhận làm dần dần, vừa làm vừa học. Về lâu dài rất cần chính sách để tập trung xây dựng cho được một số doanh nghiệp thương mại mạnh, có đủ sức cạnh tranh. Đối với công tác quản lý, rất cần một sự điều phối hài hòa các hoạt động, tức là cần sự phối hợp của các bộ, ngành và đặc biệt là vai trò "nhạc trưởng" của Chính phủ.
Tất nhiên, cùng với việc tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý và cơ chế, chính sách trong quản lý và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì một trong những việc không kém quan trọng trước mắt là nâng cao sự hiểu biết của người tiêu dùng về thương mại điện tử.
Sẽ là tín hiệu khả quan nếu các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cùng thay đổi phương pháp, cách nhìn nhận để tạo sự hợp tác, liên kết chặt chẽ, nhằm bịt các "lỗ hổng", song cũng phá vỡ "rào cản" để thương mại điện tử phát triển đúng như mong đợi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.