Thủ tướng Chính phủ mới đây yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 84/2009/NĐ-CP nhằm đưa kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường. Phóng viên trao đổi với TS. Nguyễn Thị Hiền, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.
Thưa bà, sau 3 năm thực hiện, Nghị định 84/2009/NĐ-CP đã bộc lộ những bất cập nào?
T.S Nguyễn Thị Hiền |
Cái được nhất của Nghị định 84/2009/NĐ-CP (Nghị định 84) là kinh doanh xăng dầu đã chuyển mạnh sang cơ chế thị trường. Tôi cho rằng, mục tiêu này là đúng đắn trong quản lý ngành hàng xăng dầu.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng xuất hiện những vướng mắc. Chẳng hạn, sau khi thực hiện Nghị định 84 được hơn nửa năm, giá xăng dầu thế giới tăng nhanh nhưng do yêu cầu kiềm chế lạm phát, Chính phủ quyết định không tăng giá xăng dầu nên chủ trương để doanh nghiệp tự định giá chưa thực hiện được.
Cũng vì vậy, trong một thời gian, giá xăng dầu bị kìm giữ, không theo giá thế giới và vận động theo thị trường nên đã ảnh hưởng đến nhận thức về chuyển kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, khiến chủ trương của Chính phủ không được duy trì nhất quán.
Sau đó, tuy có thực hiện điều chỉnh giá theo Nghị định 84 nhưng lại nảy sinh vướng mắc về chu kỳ tính giá cơ sở là 30 ngày, khiến điều chỉnh giá trong nước tách rời với biến động giá xăng dầu thế giới. Thực tế này dẫn tới nghịch lý mà người tiêu dùng khó chấp nhận: Giá xăng dầu trong nước không tăng hoặc giảm theo giá thế giới. Một vấn đề nữa là chu kỳ điều chỉnh giá. Do có sự can thiệp hành chính nên thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá quá dài, lúc thì thời gian điều chỉnh có lúc 10 ngày, có lúc lại 20 ngày... Vì thế người tiêu dùng cảm thấy doanh nghiệp không minh bạch trong điều chỉnh giá xăng dầu.
Xăng dầu là mặt hàng hiện có tính cạnh tranh cao, do vậy nếu áp cơ chế tương đối tĩnh cho mặt hàng biến động giá mạnh như xăng dầu có thể đã gây ra bất cập.
Vậy theo bà, giải pháp nào để khắc phục những bất cập trên để việc điều chỉnh giá xăng dầu phù hợp với điều kiện ở Việt Nam?
Thực ra, kể từ khi ban hành, Nghị định 84 đã được sửa đổi rồi. Chẳng hạn về chu kỳ điều chỉnh giá, trước quy định là 30 ngày nhưng nay chỉ còn 10 ngày. Trong cuộc họp báo Chính phủ gần đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đang dự thảo Nghị định về quản lý đối với DNNN, trong đó đối với mỗi tập đoàn quan trọng, Nhà nước sẽ có Nghị định quản lý riêng. Tôi nghĩ, hướng đi này là đúng đắn.
Ví dụ, nếu Chính phủ có Nghị định riêng cho Petrolimex, doanh nghiệp này sẽ chịu ràng buộc rất chặt chẽ và rõ ràng. Các vấn đề về thời gian và chu kỳ định giá, khung phí và hoa hồng có thể được quy định trong Nghị định này hoặc giao cho Bộ Tài chính, Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, theo tôi, tư tưởng xuyên suốt trong quản lý kinh doanh xăng dầu là theo cơ chế thị trường. Các cửa hàng xăng dầu "găm" hàng là do thời gian điều chỉnh quá dài, còn nếu thời gian điều chỉnh ngắn hơn thì doanh nghiệp khó có thể "găm" hàng được!
Hiện có nhiều ý kiến về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, vậy ý kiến của bà về vai trò và cách thức quản lý Quỹ này?
Theo tôi, Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện vẫn cần thiết, nếu quản lý đảm bảo hiệu quả, minh bạch. Nếu để doanh nghiệp quản lý mà minh bạch thì để doanh nghiệp quản lý. Còn ý kiến chuyển quỹ về Kho bạc Nhà nước cũng có những hạn chế. Theo tôi, Quỹ để ở ngân hàng thương mại là hợp lý. Nguyên tắc quản lý là khi thay đổi một cơ chế mà chi phí để thay đổi lớn hơn lợi ích thì không nên làm.
Nếu hoàn toàn theo cơ chế thị trường, tất cả những quy định trong Nghị định 84 như mức độ tăng giá, chi phí và lãi định mức... cũng không cần thiết. Vậy theo bà, khi đó mức độ can thiệp của Nhà nước đến đâu?
Xu hướng tất yếu là sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước sẽ ngày càng giảm. Nhưng quản lý theo cơ chế thị trường cũng không có nghĩa Nhà nước "thả lỏng" hoàn toàn. Điều này đã được khẳng định rất nhiều lần. Tôi cho rằng, tùy theo tính chất thị trường mà quản lý Nhà nước chặt đến mức nào thôi chứ không để thị trường hoàn toàn định đoạt giá xăng dầu.
Hiện Petrolimex chiếm 48-50% thị phần, có ý kiến cho rằng phải tách Petrolimex ra. Nhưng nếu không có doanh nghiệp cung ứng chủ đạo thì liệu nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu kinh tế- quốc phòng, vùng sâu, vùng xa có đảm bảo được không? Theo bà, xử lý vấn đề này như thế nào?
Không chỉ riêng Việt Nam, các nước đều có vùng xa, vùng khó khăn mà doanh nghiệp đem hàng đến đó phải chịu chi phí rất cao. Vậy muốn làm được việc đó phải có cơ chế. Đó là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân nếu làm nhiệm vụ xã hội đều được hưởng chính sách trợ cấp, trợ phí.
Nếu chúng ta yêu cầu Petrolimex làm nhiệm vụ xã hội mà để doanh nghiệp chịu lỗ là không công bằng. Chúng ta không vận hành theo cơ chế thị trường nên Petrolimex bị coi là độc quyền, nhưng nếu doanh nghiệp chịu lỗ là do sự điều hành của cơ quan quản lý, chứ không phải do thị trường.
Tôi cho rằng, hoàn toàn có thể thành lập một công ty vận chuyển xăng dầu đến vùng sâu, vùng xa, chỉ làm nhiệm vụ cung ứng xăng dầu cho vùng bão lụt, nhiệm vụ quốc phòng an ninh… và nếu như vậy, Nhà nước phải cấp tiền cho họ. Các doanh nghiệp khác còn lại phải tuân theo cơ chế thị trường.
Còn về chuyện tách Petrolimex, tôi thấy nhiều điểm phân vân vì hiện còn rất nhiều cơ chế chưa đồng bộ. Theo tôi nghĩ, vấn đề này nên đề nghị Chính phủ cân nhắc, quyết định. Nhưng về nguyên tắc, thị trường càng cạnh tranh, thị phần của doanh nghiệp "thống lĩnh" ngày càng giảm đi, thị phần của các doanh nghiệp không dùng vốn nhà nước ngày càng phải tăng lên. Khi đầu tư tư nhân tăng lên, đầu tư nhà nước sẽ giảm đi, đó là hướng rất tốt và góp phần đưa thị trường ngày càng hoàn chỉnh.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.