Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm hoạt động kinh doanh xăng dầu ổn định

Thanh Hải| 06/03/2023 14:10

(HNMO) - Bảo đảm nguồn cung; giữ ổn định giá xăng, dầu; xử lý tình trạng cây xăng đóng cửa; vấn đề chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu... là những nội dung chính của cuộc tọa đàm trực tuyến “Kinh doanh xăng, dầu và bài toán bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia - Tiếng nói người trong cuộc”, do Báo Tiền Phong tổ chức sáng 6-3, tại Hà Nội.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Lộ nhiều bất cập

Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng nhấn mạnh, năm 2022, ngành xăng, dầu có nhiều diễn biến chưa từng có trong lịch sử. Giá dầu liên tục tăng mạnh trong những tháng đầu năm rồi đột ngột giảm mạnh, kéo theo việc vận chuyển, nhập khẩu xăng, dầu gặp nhiều khó khăn, khiến doanh nghiệp thua lỗ nặng nề.

Là người trong cuộc, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bội Ngọc (tỉnh Trà Vinh) Giang Chấn Tây cho biết, khó khăn trong kinh doanh xăng, dầu kéo dài hơn một năm qua, làm cho doanh nghiệp bán lẻ kiệt quệ về tài chính.

“Bộ Công Thương luôn giải thích chiết khấu là do thỏa thuận để tạo công bằng, cạnh tranh, nhưng những gì diễn ra suốt hơn 1 năm qua đã chứng minh điều ngược lại, chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ là sự “ban phát” từ doanh nghiệp đầu mối. Chúng tôi đề nghị liên bộ Công Thương - Tài chính thành lập hội đồng để phân chia 1.350 đồng chiết khấu/lít xăng xem doanh nghiệp bán lẻ nhận được bao nhiêu?”, ông Giang Chấn Tây nói.

Đại biểu tham gia ý kiến tại cuộc tọa đàm

Trong khi đó, Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc (huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh) Văn Công Thật đặt câu hỏi: "Doanh nghiệp bán lẻ chỉ được ký hợp đồng lấy hàng từ 1 nhà cung cấp trong khi doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và tổng đại lý cũng có cửa hàng bán lẻ xăng, dầu lại được lấy xăng, dầu từ nhiều nguồn. Vậy dự thảo quy định mới có phá thế độc quyền để cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh xăng, dầu tiến tới cơ chế thị trường minh bạch không?".

Ông Văn Công Thật cũng đề xuất, trong chuỗi cung ứng xăng, dầu chỉ cần quy định 2 cấp là đầu mối và thương nhân phân phối, bán lẻ. Cùng với đó, quy định mức chi phí cố định tối thiểu cho các đơn vị bán lẻ trong cơ sở giá bán lẻ để bảo đảm hoạt động bán lẻ xăng, dầu được duy trì xuyên suốt.

Còn ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thương mại dầu khí Đồng Nai nêu, thương nhân phân phối có cùng nỗi khổ như doanh nghiệp bán lẻ. Thời gian qua, cả doanh nghiệp bán lẻ và thương nhân phân phối đều lỗ. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng xăng, dầu lộ rõ vấn đề trong điều hành vĩ mô và cho thấy vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi toàn hệ thống có những bất cập.

Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nêu ý kiến, từ năm 2007, các quy định về điều hành giá xăng, dầu đều đưa ra nguyên tắc “theo cơ chế thị trường”. Song qua 16 năm, nguyên tắc này vẫn chưa thực hiện được.

“Chi phí định mức cứng nhắc. Cơ quan quản lý chưa công bố giá định hướng và doanh nghiệp không đặt được giá”, ông Nguyễn Tiến Thỏa nói.

Đại biểu tham gia ý kiến tại cuộc tọa đàm

Tính đúng, đủ, kịp thời cho doanh nghiệp

Giải đáp những ý kiến của doanh nghiệp, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đặt câu hỏi: “Tại sao trước đây không doanh nghiệp nào nêu vấn đề chiết khấu? Nếu đưa chiết khấu vào yếu tố chi phí, khi giá xăng, dầu tăng lên thì quyền lợi người tiêu dùng thế nào? Do vậy, cần phải xem xét thấu đáo mọi khía cạnh vì mức chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố như cung cầu, cạnh tranh, tài chính doanh nghiệp, tồn kho...”.

Mặc dù Bộ Tài chính cùng Bộ Công Thương rất nỗ lực quản lý, điều hành giá xăng, dầu, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng… nhưng vừa qua, giá xăng, dầu thế giới, chi phí, lợi nhuận định mức biến động liên tục.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến, sửa đổi Nghị định số 95/2021/NQ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, nhằm tái cấu trúc hệ thống phân phối, rà soát, tính đúng, tính đủ và kịp thời chi phí cho doanh nghiệp. Chúng ta nên tôn trọng nguyên tắc thị trường, trao quyền cho doanh nghiệp nhiều hơn nữa”, ông Trần Duy Đông nói.

Ông Nguyễn Minh Tiến thông tin tới các đại biểu dự tọa đàm.

Còn ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) thông tin, công thức giá xăng, dầu cơ sở bao gồm: Giá thế giới chiếm 60-70%; chi phí định mức kinh doanh xăng, dầu, chi phí đưa từ nhà máy lọc dầu về cảng, từ nước ngoài về Việt Nam khoảng 9%; các loại thuế 11-20%... Còn lại là chi phí lợi nhuận định mức. Theo quy định, các chi phí phải được công bố định kỳ.

Chiết khấu của doanh nghiệp bán lẻ phụ thuộc nhiều yếu tố. Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về chi phí chiết khấu cho bán lẻ, mục tiêu là bảo đảm hoạt động kinh doanh xăng, dầu ổn định, không xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung.

“Trên cơ sở chi phí của thương nhân phân phối, chúng tôi bảo đảm nguyên tắc tính đúng, tính đủ. Chúng tôi sẽ rà soát chi phí định mức trong công thức tính giá cơ sở; nghiên cứu, rà soát các khâu trong tính giá cơ sở và công khai tới doanh nghiệp”, ông Nguyễn Minh Tiến nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm hoạt động kinh doanh xăng dầu ổn định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.