(HNMO) - Đó là kiến nghị chính của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gửi tới cơ quan chức năng tại hội nghị “Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu", do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tổ chức, sáng 21-9, tại Hà Nội.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Dầu khí Sơn Hải cho biết, từ tháng 7-2022 đến nay, chiết khấu các đầu mối nhập khẩu cho thương nhân phân phối xăng dầu và các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu rất thấp, có những thời điểm chiết khấu bằng 0 và 50-100 đồng/lít tại kho đầu nguồn.
“Với chiết khấu như vậy, thương nhân càng bán càng lỗ, chi phí không đủ bù đắp cho chi phí kinh doanh cố định, lỗ chồng lỗ. Để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, an sinh xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước, thì 1 lít xăng dầu chi phí tối thiểu, đối với xăng: 1.517-1.641 đồng/lít; dầu là 1.430-1.554 đồng/lít mới bảo đảm và bù đắp được chi phí trong kinh doanh xăng dầu cho thương nhân phân phối cũng như đại lý bán lẻ xăng dầu”, ông Hạnh nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xăng dầu Chiến Thắng Yên Bái cho biết, doanh nghiệp đang đối mặt rất nhiều khó khăn do mức chiết khấu xăng dầu hiện nay thấp. Cách đây 6 năm, mức chiết khấu khoảng 600 đồng/lít, doanh nghiệp mới đủ chi phí vận hành. Hiện nay, doanh nghiệp có 5 cửa hàng và 10 đại lý, chiết khấu bằng 0 đồng/lít giao tại kho Đức Giang (Hà Nội), vận chuyển từ Đức Giang đến Yên Bái chi phí khoảng 450 đồng/lít...
Phát biểu tại hội nghị, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nêu rõ, thời gian qua là một giai đoạn khó khăn với doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nói riêng và ngành kinh doanh xăng dầu Việt Nam nói chung. Các doanh nghiệp hội viên bán lẻ xăng dầu kiến nghị lên Hiệp hội, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp phù hợp.
"Thông qua các ý kiến thảo luận, chúng tôi sẽ tiếp thu. Trên cơ sở đối chiếu các quy định nhà nước về kinh doanh xăng dầu, Hiệp hội sẽ có ý kiến chính thức gửi các cơ quan chức năng về các nội dung doanh nghiệp kiến nghị", ông Tô Hoài Nam nói thêm.
Thời gian qua, giá xăng dầu thế giới biến động nhiều, gây nên sự biến động tại hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ sản xuất cho doanh nghiệp, hỗ trợ người tiêu dùng, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt như giảm thuế, trích quỹ bình ổn nhằm duy trì giá xăng dầu hợp lý trên thị trường. Bước đầu các biện pháp đã phát huy tác dụng, cùng với sự hạ nhiệt của thị trường thế giới, giá xăng dầu trong nước cũng giảm nhiều. Người dân, từ chỗ tiết kiệm bằng các biện pháp sử dụng phương tiện công cộng, đi chung xe, nay đã có thể chủ động hơn trong việc đi lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.