Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần cân nhắc việc thành lập quỹ bình ổn giá

Khánh Khoa| 19/11/2011 06:01

(HNM) - Thảo luận về dự thảo Luật Giá, sáng 18-11, đa số ÐBQH bày tỏ sự cần thiết phải ban hành luật này để thay thế Pháp lệnh Giá đã được UBTVQH khóa X ban hành năm 2002.

Nhiều ÐB cho rằng, nền kinh tế Việt Nam phát triển theo thị trường định hướng XHCN, nhưng hiện nay việc quản lý và điều tiết giá trong một số lĩnh vực chưa thật sự hiệu quả, không bảo đảm tính cạnh tranh.

Theo ÐB Nguyễn Thanh Phương (TP Cần Thơ), trong bối cảnh hiện nay, bình ổn giá là rất cần thiết, góp phần điều tiết một số mặt hàng trong giai đoạn nhất định nhằm giảm tác động đến sản xuất, đời sống của người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, trong dự thảo luật quy định chưa rõ, có thể dẫn đến khó khăn khi thi hành. Về biện pháp bình ổn giá, ÐB cho rằng việc thành lập quỹ bình ổn giá cần cân nhắc thêm, bởi thực tế quỹ bình ổn giá xăng dầu vừa qua còn nhiều bất cập. ÐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nêu, việc bình ổn giá chưa hiệu quả là do chưa có kênh phân phối tốt, có quá nhiều trung gian tạo ra sự chênh lệch giá quá cao từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng. Ví dụ 1kg thịt lợn lưu thông từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng có lúc tăng lên 40.000 đồng. Như vậy chi phí trung gian đã chiếm 50% so với giá sản xuất là bất hợp lý mà người tiêu dùng phải gánh chịu. "Do vậy, tôi đề nghị cần thiết phải đưa nội dung xây dựng và hoàn thiện kênh phân phối các mặt hàng trong danh sách bình ổn giá vào trong luật này hoặc ít nhất cũng hướng dẫn thực hiện trong nghị định"- ÐB Tuấn nói. Cho rằng dự thảo luật chưa bao quát, lường hết tất cả những phức tạp xoay quanh giá trên thị trường, ÐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, nên phân loại các nhóm hàng hóa theo nhu cầu và mức độ tác động quản lý của nhà nước. 

* Chiều cùng ngày, ÐBQH thảo luận về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính. Hầu hết các ÐB tán thành việc nâng mức xử phạt và quy định mức xử phạt riêng cao hơn tại các TP trực thuộc TƯ. ÐB Ðặng Ðình Luyến (Khánh Hòa), Tô Văn Tám (Kon Tum), Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cho rằng, ở các TP trực thuộc TƯ, thực tế có nhiều bất cập, mức xử phạt hiện nay không đủ sức răn đe, trong khi hậu quả của việc vi phạm thường lớn hơn. Tuy nhiên, mức phạt cụ thể bao nhiêu nên giao cho Chính phủ quy định để bảo đảm thống nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần cân nhắc việc thành lập quỹ bình ổn giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.