Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần cân nhắc thận trọng

Phương Nhi| 05/05/2020 07:13

(HNM) - Tổng cục Hải quan vừa công bố thông tin về tình hình xuất khẩu khẩu trang của Việt Nam. Theo đó, tính từ đầu năm 2020 đến ngày 19-4, tổng lượng khẩu trang xuất khẩu của Việt Nam là hơn 415 triệu chiếc, trị giá hơn 63 triệu USD. Khẩu trang của doanh nghiệp Việt Nam được xuất đi một số thị trường lớn như Nhật Bản (gần 33 triệu chiếc), Hàn Quốc (hơn 17 triệu chiếc), Đức (11 triệu chiếc), Mỹ (10 triệu chiếc)...

Cuối tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho phép xuất khẩu khẩu trang y tế, vật tư y tế... chống dịch Covid-19, trên cơ sở tạo thuận lợi nhưng phải bảo đảm chất lượng sản phẩm, giữ gìn uy tín quốc gia. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã thống nhất phương án bỏ chế độ cấp giấy phép và cho phép doanh nghiệp được xuất khẩu khẩu trang y tế không hạn chế số lượng, không bị ràng buộc về điều kiện xuất khẩu.

Đây là những tin vui trong bối cảnh ngành dệt may đang chịu ảnh hưởng nhiều từ dịch Covid-19. Sự chủ động của các doanh nghiệp dệt may để tranh thủ khai thác thị trường là động thái tích cực, nhưng để coi đây là sản phẩm xuất khẩu lâu dài, đầu tư quy mô lớn thì cần thận trọng. Bởi khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở thành mặt hàng thiết yếu. Nhưng khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu về khẩu trang sẽ giảm xuống. Do vậy, đây là một mặt hàng có tính thời vụ, tính ổn định không cao.

Cùng với đó, cần cân nhắc khái niệm “khẩu trang” đối với nhiều thị trường trên thế giới có nghĩa là sản phẩm khẩu trang y tế, do việc sử dụng khẩu trang vải chưa phổ biến. Ngoài ra, tại một số thị trường lớn đòi hỏi khắt khe về chất lượng, tiêu chuẩn của sản phẩm, tính an toàn cho người sử dụng…

Do vậy, để quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất khẩu trang vải xuất khẩu, doanh nghiệp cần tìm hiểu về các tiêu chuẩn trên để đáp ứng, đồng thời xin các giấy chứng nhận phù hợp. Đặc biệt, doanh nghiệp cần cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng về nhu cầu, tính ổn định lâu dài của thị trường, tránh đầu tư gây lãng phí khi dịch bệnh qua đi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần cân nhắc thận trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.