Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần cân nhắc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội danh

Bảo Hân| 30/10/2015 12:08

(HNMO) - Ngày 30/10, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi).

Đầu buổi làm việc trong sáng nay, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường trình bày Báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) (BLHS).

Tiếp đó, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo BLHS.

Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo BLHS


Về không thi hành án tử hình trong một số trường hợp khác (điểm c khoản 3 Điều 40), ông Nguyễn Văn Hiện cho biết, nhiều ý kiến tán thành phương án quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về các tội: sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tham ô tài sản; nhận hối lộ, nhưng sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả do tội phạm gây ra, hợp tác tích cực với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị bỏ quy định này. Kết quả lấy kiến nhân dân, đa số tán thành với ý kiến thứ nhất; một số ý kiến đề nghị cân nhắc về loại tội có thể được áp dụng quy định này.

"UB TVQH nhận thấy, đối với người phạm các tội mang tính vụ lợi thì yếu tố khắc phục hậu quả, thu hồi lại được tài sản chiếm đoạt cần được xem là một tình tiết đặc biệt khi thi hành án. Tuy nhiên, để bảo đảm sự công bằng, người phạm tội phải hội đủ nhiều yếu tố mới có thể được xem xét không thi hành án tử hình. Do đó, UBTVQH đề nghị chỉnh lý điểm c khoản 3 Điều 40 cụ thể như sau: “Người bị kết án tử hình về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn” - ông Nguyễn Văn Hiện cho biết.

Trong phần thảo luận, đa số ĐBQH đồng tình với việc bỏ 7 tội danh phải chịu mức án tử hình song nhiều ý kiến đề nghị phải cân nhắc cẩn trọng với một số tội danh cụ thể, nhất là tội phạm liên quan đến kinh tế, tham ô.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum)


ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, việc xem xét không thi hành án tử hình đối với tội tham ô tài sản, nhận hối lộ đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả do tội phạm gây ra… thể hiện tính nhân đạo của pháp luật, là rất cần thiết nếu họ thực sự hối cải. Tuy nhiên hình thức khoan hồng chỉ nên áp dụng trong giai đoạn chưa tuyên án, còn khi tòa đã tuyên án tử hình rồi họ mới hợp tác, mới nộp lại tiền tham ô mà có thì không tránh khỏi dư luận “dùng tiền để chạy án tử hình”.

“Thực sự sau khi đã bị kết án tử hình có thể họ sợ quá mới chủ động nộp lại tài sản chứ không chắc đã do thấy hối cải. Hơn nữa nếu quy định như vậy thì có thể người bị kết án sẽ có tâm lý nghe ngóng, nếu bị kết án tử mới chịu khắc phục hậu quả. Do vậy đề nghị không nên quy định” - ĐB Tám nói.

ĐB Danh Út (Kiên Giang) bày tỏ chỉ tán thành 6/7 tội danh trong dự thảo BLHS về không thi hành án tử hình. "Riêng tội vận chuyển trái phép chất ma tuý đề nghị giữ lại tử hình như luật hiện hành vì tình hình tội phạm ma tuý chủ yếu là mua bán, vận chuyển trái phép diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, dẫn đến nguy cơ các loại tội phạm khác, gây mất trật tự trị an.

Luật cũng cần có các hình thức xử lý đối với người cầm đầu, thuê mướn người nghèo vận chuyển trái phép chất ma tuý" - ĐB kiến nghị.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng)


ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nhận định, đây là bộ luật hình sự hết sức nhân đạo, đã giảm hình phạt tử hình, giảm tất cả các khung hình phạt, tăng hình phạt tiền và cải tạo không giam giữ; phi hình sự hóa một số loại tội và hình sự hóa một số loại tội cần thiết.

Góp ý  về Điều 353 về "Tội nhận hối lộ", ĐB Thuyền nói: "Trước đây người ta quy định: “Người nào lợi dụng chức vụ quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất cứ một lợi ích nào dưới mọi hình thức để làm hoặc không làm được việc là phạm tội tham nhũng”. Nay ở Điều 353 về tội nhận hối lộ (sửa đổi) lại quy định: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào dưới mọi hình thức để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ…”. Trong dự thảo ghi thêm từ “đòi” thì theo tôi không thể chứng minh được ai đòi nhận hối lộ cả, nếu ghi thêm từ “đòi” thì gần như là chúng ta đã tiếp tay cho tội phạm tham nhũng.

Về phi hình sự hóa có đề nghị 9 tội nhưng trong đó có “tội cố ý làm trái” thì cần phải có sự cân nhắc, xem xét kỹ bởi khi tiếp túc cử tri có người nói là “có phải cho phi hình sự hóa để giải cứu cán bộ ra tù”. Đề nghị Ban soạn thảo phải nghiên cứu kỹ và phải thông tin cho đại biểu QH là hiện có bao nhiêu cán bộ đang phải đi tù vì “tội cố ý làm trái”, bao nhiêu cán bộ đang bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử vì này; bởi nếu chúng ta bỏ tội này thì đương nhiên những người đang bị khởi tố, điều tra, xét xử về tội này sẽ bị đình chỉ; những người đang thi hành án sẽ được ra tù. Do đó, theo tôi cần giải thích kỹ trước khi quốc hội bấm nút, nếu không cứ như thế chúng ta tha hết những người này ra tù thì chúng ta có tội với nhân dân".

Chiều nay, các ĐB tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự thảo bộ luật quan trọng này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần cân nhắc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội danh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.