Giao thông

Cần bộ quy chuẩn và khung kỹ thuật thống nhất cho các dự án đường sắt đô thị

Tuấn Lương 19/01/2024 13:52

Chia sẻ tại Hội thảo chuyên đề Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật – công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) diễn ra sáng nay 19-1, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết: Cả hai dự án ĐSĐT tại Hà Nội bị chậm tiến độ đều có một phần nguyên nhân là áp dụng nhiều hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn khác nhau.

hoi-thao-chuyen-de-4.jpg
Quang cảnh hội thảo chuyên đề.

Tham dự hội thảo có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn.

Nhiều khó khăn trong thi công, nghiệm thu, quản lý dự án

Các tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các dự án ĐSĐT tại Việt Nam thay đổi theo nhà tài trợ. Tuyến Cát Linh – Hà Đông theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Trung Quốc; tuyến Nhổn – ga Hà Nội theo tiêu chuẩn châu Âu; tuyến Bến Thành – Suối Tiên theo tiêu chuẩn Nhật Bản…

Tiến sỹ Phan Hữu Duy Quốc, chuyên gia về ĐSĐT cho biết, việc sử dụng các tiêu chuẩn khác nhau có nguy cơ lãng phí nguồn lực (không tận dụng được các thiết bị, sản phẩm kỹ thuật như bản vẽ, tính toán, kinh nghiệm thi công…); đội ngũ kỹ sư lành nghề ở dự án này có thể không có kinh nghiệm ở dự án khác.

Việc vận hành và khai thác cũng không thống nhất; khó khăn trong kết nối giữa các tuyến đường sắt. Bên cạnh đó, việc thẩm tra, thẩm định dự án gặp khó, đòi hỏi sự hiểu biết và kinh nghiệm khác nhau…

Theo ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, các tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các dự án không đồng bộ còn dẫn đến khó khăn trong quá trình thi công, nghiệm thu công trình cũng như duy tu, bảo dưỡng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn thông tin, theo quy hoạch GTVT, Thủ đô sẽ có 10 tuyến ĐSĐT, với tổng chiều dài 417,8km, trong đó 75,6km đi ngầm. Hiện mới hoàn thành 13km của tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông và đang thi công 12,5km tuyến ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội.

Tuyến ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông từ khi vận hành đã được sử dụng với tần suất cao. Sắp tới, thành phố đưa vào khai thác đoạn trên cao của tuyến Nhổn -ga Hà Nội.

Thực tế triển khai, cả hai dự án đều chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. Một trong số đó là chủ đầu tư cũng như các nhà thầu gặp vướng mắc khi áp dụng nhiều hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn cả trong và ngoài nước. Mỗi dự án sử dụng công nghệ khác nhau, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn khác nhau, dẫn tới khó khăn trong quản lý.

Cấp thiết thống nhất hệ thống tiêu chuẩn

Từ những bất cập nói trên, Tiến sỹ Phan Hữu Duy Quốc kiến nghị, cấp thiết phải phát triển một hệ thống tiêu chuẩn thống nhất cho hệ thống ĐSĐT ở Việt Nam.

Hệ thống tiêu chuẩn đó đã được áp dụng và kiểm chứng qua các dự án ở nhiều nơi trên thế giới; dễ dàng tìm kiếm thông tin, tiếp cận tư liệu; thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh trong thiết kế, tư vấn và xây dựng; thúc đẩy việc huy động các nguồn nhân lực, bảo đảm tính toàn cầu hóa đội ngũ kỹ thuật thực thi dự án…

nhon-ga-ha-noi(1).jpg
Các dự án ĐSĐT đang áp dụng những quy chuẩn, tiêu chuẩn khác nhau.

Khẳng định sự cần thiết xây dựng khung tiêu chuẩn kỹ thuật cho ĐSĐT, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đỗ Việt Hải nêu rõ, việc nghiên cứu đề xuất khung kỹ thuật đường sắt đô thị Hà Nội phải bảo đảm 5 yêu cầu. Đó là phù hợp với khung pháp lý về hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam; tính đồng bộ trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và khai thác vận hành các tuyến ĐSĐT; đáp ứng được xu thế phát triển khoa học công nghệ; có tính tương thích, phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn chung đường sắt; có độ mở linh hoạt cho các chủ thể tham gia đầu tư xây dựng và khai thác vận hành ĐSĐT.

Thông tin thêm về định hướng xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho ĐSĐT tại Việt Nam, Tiến sỹ Lê Công Thành (Viện Khoa học và công nghệ GTVT) cho biết, các tiêu chuẩn Việt Nam liên quan đến ĐSĐT có thể được xây dựng trên cơ sở biên soạn, chuyển đổi các tiêu chuẩn châu Âu và tiêu chuẩn quốc tế thành tiêu chuẩn Việt Nam, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Định hướng này sẽ giúp nhanh chóng xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam liên quan đến ĐSĐT và xác định khung tiêu chuẩn cho các dự án xây dựng ĐSĐT ở Việt Nam trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận phiên hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, hội thảo đã nhận được tổng số 11 bài báo cáo, tham luận. Các tham luận được chuẩn bị công phu, đề cập các nội dung cốt lõi, phản ánh thực trạng, xu thế phát triển của hệ thống ĐSĐT trên thế giới nói chung và tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

tuan(1).jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại hội thảo.

Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, có giá trị trong công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý hệ thống ĐSĐT. Các ý kiến đặc biệt nhấn mạnh việc xây dựng tầm nhìn dài hạn với sự tham gia và đồng thuận của người dân; hoàn thiện chiến lược phát triển đồng bộ hệ thống ĐSĐT xuyên suốt từ bộ máy chính quyền, cơ chế, chính sách đến nhận thức, tổ chức thực hiện; khuyến khích, huy động, đa dạng hóa các nguồn lực để xây dựng, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả công tác thiết kế cũng như triển thực hiện dự án.

Các ý kiến đóng góp sẽ là nguồn tư liệu có giá trị để các nhà lãnh đạo, quản lý, hoạch định chính sách tham khảo trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển hệ thống ĐSĐT nói riêng và hệ thống giao thông công cộng nói chung, góp phần xây dựng Thủ đô và thành phố mang tên Bác văn minh, hiện đại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần bộ quy chuẩn và khung kỹ thuật thống nhất cho các dự án đường sắt đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.