Ngày 11-3, Đoàn kiểm tra công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã làm việc với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Hồng Lĩnh, đến ngày 10-3, tỉnh cơ bản hoàn tất công tác lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo kế hoạch, tiến hành tổng hợp ý kiến theo quy định. Đến nay, tỉnh đã tổ chức được 2.579 hội nghị từ cấp tỉnh đến cấp xã với 144.307 người tham gia, 16.839 lượt ý kiến đóng góp.
* Ngày 11-3, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh dự.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến tập trung góp ý sâu những nội dung trong toàn bộ Dự thảo, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, tính đúng đắn của Điều 4 Hiến pháp như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam; khẳng định sở hữu toàn dân về đất đai, nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước theo đường lối, quan điểm của Đảng được khẳng định trong Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)…
* Ngày 11-3, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 9 cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Uông Chu Lưu dự.
Các thành viên Ủy ban Pháp luật đánh giá, trên cơ sở kế thừa những giá trị khoa học về nội dung và kỹ thuật lập hiến của các bản hiến pháp trước, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và định hướng phát triển đất nước hiện nay cũng như lâu dài. Góp ý vào các nội dung cụ thể, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Bạch Ngân (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, Hiến pháp cần quy định rõ thành phố Hà Nội là Thủ đô nước Việt Nam. Liên quan tới nội dung chính quyền địa phương, ĐB Chu Sơn Hà (Đoàn Hà Nội) đánh giá, dự thảo đã thể hiện nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và quyền lực nhà nước là thống nhất. Tuy nhiên, ĐB đề nghị cần xem xét, cơ cấu lại các điều 6, 17, 115, 116 cho phù hợp để bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trong thực hiện quyền lực của Nhà nước cả về hình thức, không phân biệt vùng, lãnh thổ. ĐB Chu Sơn Hà cho rằng: Để phân biệt quản lý đô thị và quản lý nông thôn chỉ cần thiết kế các chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của HĐND, UBND phù hợp với mô hình đô thị, mô hình nông thôn khi sửa đổi Luật Tổ chức HĐND và UBND. Có như vậy mới bảo đảm cải cách thể chế quản lý nhà nước mà vẫn giữ được quyền cơ bản của người dân khi thực hiện quyền đại diện.
* Cùng ngày, tại Hà Nội, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã tổ chức lấy ý kiến của các cá nhân, tổ chức, đại diện các làng nghề thủ công đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.