Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cân bằng lợi ích và sự phát triển

Chí Kiên| 26/10/2017 07:04

(HNM) - Việc di dời trụ sở các bộ, ngành ra khỏi trung tâm nội đô là một trong những biện pháp quan trọng để kéo giãn các cơ sở làm việc, giảm mật độ dân cư trong bối cảnh hạ tầng giao thông hiện nay bị quá tải.


Vấn đề “khó nói” nhất ở thời điểm này là, dù nhiều cơ quan bộ đã di chuyển về trụ sở mới bề thế, hoành tráng nhưng lại chưa bàn giao quỹ đất trụ sở cũ cho TP Hà Nội mà sử dụng làm... cơ sở 2. Tại Quyết định 130/QĐ-TTg ngày 23-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội, chỉ rõ: Việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời được ưu tiên xây dựng, phát triển công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị…

Vì thế, việc các bộ, ngành trung ương đã di chuyển về nơi mới mà vẫn bám trụ “đất vàng” là chưa thực hiện được mục tiêu ý nghĩa này; vì thế TP Hà Nội cũng không có cơ sở để đề xuất phương án sử dụng quỹ đất sau di dời bảo đảm đúng mục tiêu, hiệu quả. Chưa kể, việc sử dụng cùng lúc hai trụ sở dễ dẫn tới tình trạng quản lý, sử dụng kém hiệu quả, gây lãng phí đất đai, tài sản.

Thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện Quyết định 130/QĐ-TTg, TP Hà Nội đã tích cực, chủ động triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, như thành lập Ban Chỉ đạo công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị; đề xuất nguyên tắc, cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền… Tuy vậy, về phía bộ, ngành trung ương còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ hoặc triển khai chưa đúng lộ trình, ngoài những đơn vị “ôm đất vàng”, đến nay một số cơ quan chưa có đề án cụ thể hoặc nằm trong diện di dời nhưng vẫn cải tạo trụ sở cũ để sử dụng…

Rõ ràng, việc thực hiện Quyết định 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục, nhất là với các bộ, ngành liên quan trong thời gian tới phải phối hợp chặt chẽ với TP Hà Nội, triển khai quyết liệt, nghiêm túc để đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, ngoài những việc mang tầm vĩ mô như tiếp tục thực hiện nghiêm lộ trình, biện pháp và cân nhắc thận trọng việc sử dụng hiệu quả quỹ đất sau khi di dời, thì các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm đến công tác tổ chức, sinh hoạt hành chính, xu hướng phát triển dịch vụ, kết nối...

Phải thấy rằng, việc quy hoạch, sắp xếp, di dời trụ sở không chỉ nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan, góp phần cải cách hành chính hiệu quả hơn, và còn là yêu cầu xây dựng, quản lý đô thị hiện đại, văn minh, phù hợp với định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đặc biệt, quá trình di dời trụ sở cũ cần đồng bộ với thực hiện quy hoạch khu trụ sở mới, trên cơ sở nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi về đất đai, hạ tầng điểm đến. Thực tế, sức hút khu vực nội đô còn rất lớn nên chính sách bảo đảm cân bằng lợi ích và sự phát triển là cần thiết.

Việc quy hoạch, đầu tư, sắp xếp và di dời trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn Thủ đô từ lâu đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, để việc này đạt kết quả như mong muốn, cần có cơ chế, chế tài, quy định bắt buộc bàn giao quỹ đất sau di dời cho TP Hà Nội để ưu tiên phát triển công trình công cộng, hạ tầng xã hội, kỹ thuật. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cân bằng lợi ích và sự phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.