(HNM) - Ngày nay, nói đến biệt thự cổ Hà Nội, chúng ta thường có cảm xúc vui, buồn lẫn lộn. Vui vì Thủ đô có số lượng nhà biệt thự cổ, có lẽ lớn nhất cả nước. Nhưng buồn vì số lượng nhiều mà không đồng nghĩa với tốt về chất lượng.
Các biệt thự cũ trên đường Điện Biên Phủ. Ảnh: Bá Hoạt
Không cần phải bàn cãi về giá trị của quần thể nhà biệt thự Hà Nội. Các kiến trúc sư xưa nay đều hết lời ca ngợi điều này. Mới đây, trong hội nghị về bảo tồn và khai thác nhà biệt thự Hà Nội, giới kiến trúc sư đã thống nhất nhận định "Những biệt thự được xây dựng vào thời Pháp ở Hà Nội đáng được ghi nhận như một bộ phận có giá trị trong quỹ di sản kiến trúc TP". Có người còn khẳng định, mất đi quần thể nhà biệt thự cổ, Hà Nội sẽ mất đi một nửa;không những mất đi một khối lượng về vật chất, kỹ thuật, mà còn mất đi một phần "phần hồn" của mình. Ai đi qua những con đường Trần Phú, Điện Biên Phủ, Phan Đình Phùng... mà không thích thú, say đắm ngắm nhìn những ngôi biệt thự cổ đẹp "kỳ bí và duyên dáng". Hàng vạn lượt du khách từ khắp nơi trên thế giới đến Hà Nội hằng năm chỉ "nhăm nhăm" tìm đến những ngôi biệt thự cổ này. Nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài, trong đó đáng kể nhất là ở Cộng hòa Pháp, nóng lòng muốn chung tay, góp công, góp của để bảo tồn, khôi phục di sản quý giá này.
Hãy tưởng tượng, nếu tất cả 970 biệt thự đã thống kê (số lượng thực tế có thể nhiều hơn) được khôi phục như cũ, Hà Nội sẽ ra sao? Nói không ngoa, Hà Nội sẽ trở thành một TP nổi bật về du lịch, một địa chỉ hấp dẫn về kiến trúc; hoàn toàn có thể lấn át những nhược điểm quy hoạch, kiến trúc lộn xộn, "không phong cách" hiện nay. Đây là điều cực kỳ khó khăn, nếu không muốn nói chỉ là mơ ước. Trên thực tế, công việc bảo tồn nhà biệt thự của Hà Nội đang tiến triển rất chậm. Những việc làm cơ bản và cần thiết nhất là lập hồ sơ hiện trạng về từng ngôi biệt thự chưa xong, xây dựng quy chế quản lý, sử dụng cũng còn dang dở. Trong khi mỗi ngày qua đi, những ngôi biệt thự hàng chục, thậm chí hàng trăm năm tuổi lại thêm xuống cấp hoặc bị làm biến dạng vì cơi nới, sửa chữa không theo chuẩn mực nào. Chúng ta đã lãng phí rất nhiều thời gian để "bắt" những ngôi biệt thự cổ đem lại của cải và danh tiếng cho Hà Nội.
Đã đến lúc phải cùng thấy rằng, bảo tồn và khôi phục những ngôi nhà biệt thự Hà Nội là yêu cầu cấp bách, là nhiệm vụ cần phải làm ngay. Bởi nếu chậm trễ, Thủ đô sẽ không chỉ bị thất thoát những di sản giàu giá trị mà còn bỏ lỡ thời cơ làm đẹp, làm mới, làm sang trọng mình trước thế giới và trong những thời khắc trọng đại.
Hà Nội đã bước vào năm 2010, năm của Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây cũng là năm TP tập trung chỉnh trang đô thị. Đại lễ 1000 năm sẽ mất đi nhiều ý nghĩa nếu diện mạo Thủ đô không được cải thiện rõ nét. Đây chính là thời cơ để TP thúc đẩy mạnh mẽ việc bảo tồn, khôi phục quần thể di sản nhà biệt thự của mình. Đó cũng là cách chứng tỏ rằng, Hà Nội biết rõ mình đang cầm vàng trong tay và nhất định không để vàng rơi.