Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảm thức hướng nội trong vui Tết chơi xuân

Nguyễn Hùng Vĩ| 02/02/2022 15:04

(HNNN) - Vào cuối những năm bảy mươi của thế kỷ trước, chúng tôi xôn xao đón đợi tác phẩm khảo cứu dân tộc học của nhà nghiên cứu nổi danh Giáo sư Từ Chi, cuốn “Hoa văn cạp váy Mường” (bút danh Trần Từ). Liền với đó là vào những dịp gặp gỡ hoặc hội thảo khoa học, chúng tôi mò mẫm hỏi han thầy về phương pháp tiếp cận nhân học văn hóa.

Những nghi lễ ngày Tết làm cho cảm thức hướng nội trở lên đậm đà hơn bao giờ hết

1. Trong rất nhiều cách miêu tả, cách kiến giải các mã biểu tượng hoa văn hay phương pháp so sánh lịch sử, chúng tôi học được từ thầy một khái niệm mà với mình là rất mới mới mẻ: Mỹ cảm hướng nội. Đó là đoạn Giáo sư lý giải tại sao người phụ nữ Mường từ khi biết dệt đến già, họ kỳ công lên sợi, vào go để dệt ra những hoa văn rất ấn tượng, đẹp đẽ nhưng khi mặc nó, người ta không phô ra ở những không gian dễ trông thấy mà lại giấu nó le lói qua các vạt trước áo ngắn, không dễ chiêm ngưỡng. Tốt đẹp khoe ra, sao ở đây lại cứ đậy lại? Thực ra, khi thể hiện hoa văn, họ mang một cảm thức văn hóa hướng nội của cộng đồng được lưu truyền bền bỉ trong thời gian và để đáp ứng một mỹ cảm hướng nội tự thân của chính cá nhân họ.

Từ đó, với các di vật văn hóa, với các hoạt động văn hóa truyền thống, chúng tôi nhận được cách giải mã văn hóa từ tư duy của người sáng tạo hay trình diễn nó, một cách nhìn vượt qua sự miêu tả đơn thuần, để đạt đến sự thấu hiểu khả dĩ hơn.

2. Tết và xuân cũng vậy. Khi ta quan niệm nó như một di sản văn hóa tinh thần truyền đời của cộng đồng thì sẽ nhận ra ngay các phương diện cảm thức hướng nội và hướng ngoại của cộng đồng quốc gia - dân tộc.

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Cái slogan về Tết thật dung dị, thật phổ biến, cũng thật trường tồn đó thiên về cảm thức hướng ngoại. Nó giàu tính miêu tả, với 14 chữ đối xứng có đến 6 hình ảnh tiêu biểu về Tết cổ truyền, trong đó một nửa là văn hóa ẩm thực. Ăn Tết mà. Nhưng cũng một nửa là hình ảnh mang tâm thức văn hóa, tín ngưỡng. Nhưng nó vẫn là hình ảnh hướng ngoại là chính với vật thể, mùi vị, âm thanh, màu sắc có thể  trực quan.

“Tháng giêng là tháng ăn chơi...”. Câu ca dao đó nằm ở đầu câu của một bài ca dao nói về nông vụ qua các mùa trong năm, cho đến tháng mười: “Tháng hai trồng đậu trồng khoai trồng cà/ Tháng ba thì đậu đã già/...” cho tận: “Bao giờ cho đến tháng mười...”.

Ở đây, cái câu đầu tiên đó của bài ca thì cái nghĩa cụ thể là bảo nhau cứ ăn chơi cả tháng giêng, tức cái nghĩa hướng ngoại cụ thể không tồn tại, mà sau đó, phải là cái nghĩa kinh nghiệm về mùa vụ và về văn hóa: Đó là tháng nông nhàn, nghỉ ngơi, nhiều hội hè của đầu năm. Còn trong cuộc sống, mọi lao động gia đình và nghề nghiệp khác vẫn diễn ra một cách tất yếu.

Trong chuỗi thời gian bất tận, Tết và xuân được coi là thời điểm mạnh, thời điểm bùng nổ của đời sống xã hội. Ở đó, cảm thức hướng nội và cảm thức hướng ngoại đều được biểu hiện.

Ngày xưa, cư dân nông nghiệp lúa nước quanh năm đối diện với bão lụt mất mùa, chiến tranh ly tán, người ta chuẩn bị Tết từ hàng nửa năm. Nuôi lợn, gà, cấy nếp trồng mía (bờ xôi ruộng mật), chăn tằm dệt vải là chuyện lâu dài, để đến tháng mười “Phơi khô quạt sạch ấy là xong công”. Trong sự chuẩn bị đó, có cảm thức về sự lo toan, kiệm ước từ trong tâm khảm con người. Đó là hướng nội.

Hành hương về Tết, hướng ngoại là những dòng người bất tận tham gia giao thông mà ta vẫn thấy, nhưng trong tinh thần của họ là hướng tới sự đoàn viên gia đình, hướng tới tổ tiên dòng họ, hướng tới lẽ sống uống nước nhớ nguồn.

Đo đường dọn ngõ, sửa miếu quét đình, sửa sang lối xóm là hướng ngoại, nhưng trong đó là tình làng nghĩa xóm, là nghĩa vụ cộng đồng, là tình yêu xóm mạc.

Trang trí nhà cửa để cho sạch đẹp hướng ngoại, tiếp khách, nhưng đó cũng là khát vọng về sự ngăn nắp khang trang cho một năm mới sắp sang.

Chuẩn bị thức ăn, cỗ bàn về hướng ngoại là bồi dưỡng, tái sản xuất sức sau những ngày vất vả lao động, nhưng đó cũng là biểu hiện hướng nội về năng lực, khả năng, tình cảm đối với tất cả các thành viên.

Ngày Tết nhiều nghi lễ và kiêng kỵ làm cho cảm thức hướng nội trở nên đậm đà hơn bao giờ hết. Tiễn năm cũ, đón năm mới trong lễ giao thừa, chúng ta hướng tới tổ tiên, lặng lẽ nhìn nhận lại những gì mình đã làm trong cả năm qua, kỳ vọng vào một năm mới tốt đẹp hơn trong sự phù trợ của tổ tiên, thánh thần. Con người đối diện với chính mình, đối diện với tín ngưỡng đã ăn sâu trong tâm khảm họ. Sự trang nghiêm là để cảm xúc hướng nội lắng sâu hơn.

Sáng mùng một cúng tổ tiên, dặn dò con cháu, đoàn viên gia tộc cũng để tinh thần cố kết thêm sâu đậm.

3. Trải qua thời gian, đón Tết chơi xuân đã hài hòa trong hai mặt cảm thức hướng nội và hướng ngoại đó. Tuy nhiên, tùy từng hoàn cảnh cụ thể và giai đoạn cụ thể mà người ta ứng biến cho phù hợp. Hai năm qua là quãng thời gian rất đặc biệt không những cho chúng ta mà cho toàn bộ thế giới. Đại dịch Covid-19 đẩy nhân loại vào một sự vận động khác trước. Tất cả các quốc gia đều dồn lực cho việc chống lại dịch bệnh. Những hoạt động hướng ngoại được giảm thiểu, những đợt giãn cách, lockdown, những hạn chế về giao dịch, hội hè, sinh hoạt công cộng được thực hiện khắp nơi trên thế giới. Con người có một nhìn nhận chung về cuộc sống và sự bất thường của tai họa. Họ điềm đạm hơn, cẩn trọng hơn và suy tư hơn. Nói chung là hướng nội hơn. Hôm qua là tự do tung tỏa, ít lo toan, hôm nay là sự tự vệ, sự bảo trọng.

Chúng ta đã trải qua cái Tết năm 2020, 2021 trong tinh thần bảo trọng đó. Thăm hỏi ít đi, lễ hội mùa xuân hạn chế, đắn đo trước những chuyến du xuân. Một lối sống thích ứng mới đã hình thành. Giữ cho mình và giữ cho mọi người một cuộc sống an lành, hướng tới một tình trạng “bình thường mới”.

Tổ chức cuộc sống gia đình nhỏ trở nên rất quan trọng, sinh hoạt gia đình được ý thức cao về giá trị của nó. Các hình thức nối kết cộng đồng, giao lưu văn hóa chủ yếu thông qua các phương tiện truyền thông. Các nghi thức, lễ nghi tín ngưỡng đã được thực hành online. Các trình diễn nghệ thuật cũng qua phương tiện truyền thông để đến với mọi người.

Nói chung là, phải chủ động thay đổi cách nghĩ cách làm, cách giải trí vui chơi cho phù hợp với tình thế đặc biệt chung của xã hội. Ở đây, cảm thức hướng nội, không chỉ trong đón Tết, vui xuân mà trong cả cuộc sống có một giá trị nổi bật.

Thời gian ít giao lưu xã hội, thời điểm nhịp sống trầm lắng chính là cơ hội cho chúng ta sống chậm, suy tư về mình, về người, về nhân tình thế thái, về cơ hội tích lũy năng lực và kỹ năng, về lẽ sống thiện lương, về dự định và kế hoạch cho tương lai... Và cả về sự kiệm ước, sự tôn quý đồng tiền do sức mình bỏ ra mà có.

Nếu như không được những cuộc du xuân vui vẻ như trước đây thì hãy sẵn sàng vượt qua sự bó buộc hướng ngoại bằng sự tự do tự tại của một tâm hồn hướng nội.

Với sự an nhiên hướng nội thì nhiều khi một cánh én nhỏ cũng làm nên mùa xuân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cảm thức hướng nội trong vui Tết chơi xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.