(HNM) - Chưa đầy 24 giờ nữa là đến thời hạn cuối (31-3) để các bên liên quan phải đạt được một thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Cuộc đàm phán giữa Iran với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức)
Các nhà đàm phán Iran và Nhóm P5+1 đang chạy đua với thời gian khi thời hạn chót đến gần. |
Vòng đàm phán quyết định được P5+1 và Iran nối lại ngày 26-3 tại thành phố Lausanne của Thụy Sĩ. Đây là bước đi tiếp theo sau các cuộc đàm phán tích cực giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif cách đây không lâu. Một số nguồn tin cho rằng, thỏa thuận đang định hình giữa Iran và Nhóm P5+1 có thể được ký đúng với kế hoạch vào ngày 31-3. Theo đó, Iran sẽ được giữ lại 6.100 máy ly tâm và phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế theo giai đoạn. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là dự đoán, bởi những ngày qua trên bàn đàm phán, các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về số phận của khoảng 13.000 máy ly tâm mà Iran sẽ bị cấm sử dụng, cho dù Tehran sẽ được phép tiếp tục nghiên cứu và phát triển các máy ly tâm tiên tiến.
Thực tế cho thấy sau khi bỏ lỡ thời hạn chót - ngày 24-11 năm ngoái với một thỏa thuận hạt nhân toàn diện, Iran và Nhóm P5+1 nhất trí kéo dài thời gian đàm phán thêm 7 tháng nữa đến hết ngày 30-6-2015. Thế nhưng, các bên liên quan phải có sự đồng thuận về một thỏa thuận khung trước ngày 31-3. Dù thời hạn cuối đã đến nhưng sự đồng thuận về một số vấn đề cốt lõi, nhất là về quy mô làm giàu urani của Iran và tiến độ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây vẫn gây tranh cãi.
Bất chấp những tiến triển trong các cuộc đàm phán gần đây, con đường dẫn đến thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân Iran vẫn còn đầy trở ngại. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang ở tình thế hết sức khó khăn trước những động thái quyết liệt của lưỡng viện do phe Cộng hòa kiểm soát nhằm ngăn cản việc ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran. Trong một bước đi mới nhất, Thượng viện Mỹ đã thông qua một đề xuất sửa đổi không mang tính ràng buộc nhằm áp đặt trừng phạt trở lại với nước này trong trường hợp Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân. Còn tại Iran, phe bảo thủ cũng luôn tìm cách gây khó khăn cho chính quyền của Tổng thống Hassan Rowhani trong các cuộc đàm phán. Cùng với chỉ trích cách tiếp cận của Tổng thống đương nhiệm H.Rowhani, Quốc hội Iran với đa số nghị sĩ thuộc phe bảo thủ đòi phương Tây phải bãi bỏ ngay lập tức các biện pháp trừng phạt nếu hai bên đạt được thỏa thuận - yêu sách được cho là khó được đáp ứng. Một trở ngại khác không thể không nhắc đến là những bất đồng nảy sinh trong chính nội bộ Nhóm P5+1 cũng đe dọa việc thông qua thỏa thuận.
Trong khi đó, trước sức ép của dư luận quốc tế, các nhà đàm phán về chương trình hạt nhân Iran được cho là khó có thể tìm ra lý do để có thêm một thời hạn nữa. Bởi dư luận Mỹ và Iran đều đã quá nản trước việc các vòng đàm phán luôn bị phá vỡ dù được tiến hành cấp tập từ 18 tháng qua. Tổng thống B.Obama không còn nhiều thời gian cho đàm phán khi kết quả của nó sẽ tác động trực tiếp tới cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm 2016 cũng như ảnh hưởng tới vị thế Mỹ tại Trung Đông và trên thế giới. Trong khi đó, Tổng thống H.Rowhani cũng có nhiều thứ để mất khi cuộc đàm phán hạt nhân sụp đổ. Nếu thỏa thuận hạt nhân đạt được sẽ đưa Iran tái hội nhập quốc tế để phát triển ; đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác hết sức to lớn với Mỹ và phương Tây nhằm tăng cường vai trò và vị thế cường quốc khu vực. Vì thế, khả năng vòng đàm phán hạt nhân tại Lausanne đang diễn ra giữa Iran và Nhóm P5+1 dù cam go vẫn được dự đoán sẽ kết thúc vào "phút 89" do sự nhượng bộ có thể của các bên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.