(HNM) - Táo bón hoặc tiêu chảy là những biểu hiện thường gặp ở trẻ. Thống kê của Bệnh viện Nhi trung ương cho thấy, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi bị rối loạn tiêu hóa lên đến 59,2%, từ 1 đến 2 tuổi là 39,9%.
Thế nhưng theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, thường thì trẻ chỉ được đưa đến cơ sở y tế khi những biểu hiện đặc trưng của rối loạn tiêu hóa đã kéo dài, ảnh hưởng tới sức khỏe. Còn với trẻ có biểu hiện rối loạn nhẹ hơn như: trướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, nôn trớ… thì ít được thăm khám.
Nỗi lo thường gặp
Rối loạn tiêu hóa là một trong những rắc rối thường gặp ở trẻ. Đến khoa khám bệnh của BV Nhi hay khoa Nhi của các BV đa khoa, có thể thấy rối loạn tiêu hóa và viêm đường hô hấp là hai loại bệnh phổ biến trẻ thường mắc phải. Còn tại Viện Dinh dưỡng quốc gia, câu hỏi mà các bác sĩ hay phải trả lời là vì sao trẻ lười ăn? Tôi thường xuyên thay đổi thực đơn nhưng vì sao trẻ vẫn ăn không ngon miệng và còi cọc? Theo số liệu thống kê của đơn vị này, có đến 47% trong số hơn 19 nghìn trẻ được theo dõi có các biểu hiện của rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, đi phân sống, đầy hơi, khó tiêu…
Khám và điều trị chứng rối loạn tiêu hóa cho trẻ. Ảnh: Hải Anh |
Bế trên tay cô con gái gần một tuổi đang khóc ngằn ngặt, chị Phan Thị Huệ, ở Yên Hòa, Cầu Giấy, lo lắng: "Cháu vẫn ăn uống đều đặn, không bỏ bữa, nhưng thường bị nôn trớ, không thấy tăng cân nên em lo quá, phải đưa đi khám. Các bác sĩ bảo cháu bị rối loạn tiêu hóa. Ngồi bên cạnh, chị Nguyễn Thu Trang, Gia Lâm, Hà Nội, mẹ của một bé trai hơn 2 tuổi góp chuyện: "Trẻ con thường mắc bệnh này, mà hay bị đi, bị lại. Uống thuốc thì khỏi nhưng rồi lại bị. Em cũng rất lo vì thấy cháu còi hơn các bạn cùng trang lứa nên phải đưa con đến viện tư vấn". Đây là những nỗi lo chung của các bà mẹ đang nuôi con nhỏ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ chuyên khoa nhi, với những trẻ thường xuyên có biểu hiện bất thường về tiêu hóa thì chắc chắn khả năng cung cấp các chất cho cơ thể bị ảnh hưởng, lâu ngày trẻ sẽ bị thiếu hụt dinh dưỡng, dẫn đến suy dinh dưỡng, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Kết quả một nghiên cứu trên gần 1.000 trẻ thấp còi và trẻ bình thường ở 3 tỉnh phía bắc gần đây cho thấy, trẻ có tần suất tiêu chảy và rối loạn tiêu hóa từ 3 lần trong 3 tháng có nguy cơ bị thấp còi cao hơn 2 lần so với trẻ có tần suất rối loạn tiêu hóa dưới 3 lần.
Tăng cường "sức khỏe" cho hệ tiêu hóa
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiêu hóa ở trẻ. Theo phân tích của các chuyên gia về tiêu hóa, trong ruột có hàng nghìn loại vi khuẩn khác nhau. Vi khuẩn có lợi và có hại sống "bình đẳng" với nhau khi cơ thể khỏe mạnh. Do nhiều nguyên nhân như sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài, chế độ ăn không hợp lý, sự cân bằng này biến mất. Khi các vi khuẩn có lợi bị tiêu diệt, vi khuẩn có hại dễ dàng xâm nhập gây ra các triệu chứng rối loạn tiêu hóa… Đặc biệt, đối với trẻ em, nhất là ở tuổi ăn dặm, hệ vi sinh chưa hoàn thiện, dễ dẫn đến tình trạng suy giảm chức năng tiêu hóa, thức ăn không được tiêu hóa hoàn toàn (cơ thể khó hấp thu dinh dưỡng, phân sống...) khiến các vi khuẩn gây bệnh phát triển. Thêm nữa, trẻ thường hiếu động, chưa có ý thức về vệ sinh cơ thể, vệ sinh ăn uống, hệ miễn dịch còn non yếu nên dễ bị lây nhiễm qua tiếp xúc. Bởi vậy, có thể phòng tránh rối loạn tiêu hóa cho trẻ bằng việc thay đổi những thói quen sinh hoạt như có chế độ dinh dưỡng phù hợp cung cấp đủ nhu cầu về năng lượng, cân đối các chất dinh dưỡng, sử dụng những thực phẩm dễ hấp thu, nhiều chất xơ; tập thể dục đều đặn.
Tuy nhiên, nếu trẻ đã bị rối loạn tiêu hóa thì phải tìm giải pháp chữa trị triệt để, không nên để kéo dài, khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, khi đó càng dễ bị rối loạn tiêu hóa, tình trạng suy dinh dưỡng sẽ ngày càng trầm trọng. Theo các chuyên gia y tế, khi trẻ có dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa, bên cạnh việc giữ vệ sinh trong ăn uống, điều chỉnh chế độ ăn phù hợp, nên chú ý bổ sung sớm men vi sinh có ích cần thiết cho hệ tiêu hóa của trẻ. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại men vi sinh. Đây là các chế phẩm tổng hợp giúp bổ sung các vi khuẩn có lợi nhằm tạo nên sự cân bằng vi khuẩn trong hệ tiêu hóa và ức chế các vi khuẩn có hại gây bệnh và tiết độc tố. Tuy nhiên, nên sử dụng men vi sinh loại bao vi nang để các vi khuẩn có lợi không bị chết ở dạ dày và nên kết hợp đủ 3 nhóm men vi sinh có lợi có thời gian sống lâu trong đường ruột - các chuyên gia khuyến cáo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.