Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải thiện chất lượng dạy và học ngoại ngữ

Minh Khang| 13/12/2012 05:44

(HNM) - Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục Việt Nam là một trong những mục tiêu hàng đầu của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, trong đó ứng dụng CNTT là giải pháp thiết thực để tăng cường hiệu quả.


Một giờ học của sinh viên Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Ảnh: Bùi Tuấn


Một vấn đề nổi lên trong quá trình thực hiện thí điểm chương trình tiếng Anh ở cấp tiểu học thuộc Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 thời gian qua là chất lượng giáo viên dạy ngoại ngữ không đáp ứng yêu cầu. "Bắt mạch" được "căn bệnh" này, Intel Việt Nam đã chủ động hợp tác với ngành GD-ĐT với mong muốn góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh nội dung hợp tác tăng cường khả năng ứng dụng CNTT cho người dạy. Cụ thể, trong năm 2013, Intel sẽ hợp tác với Bộ GD-ĐT tham gia đào tạo, bồi dưỡng 80 nghìn giáo viên dạy tiếng Anh, bước đầu là đội ngũ dạy bậc tiểu học. Trước mắt, Intel sẽ cung cấp bộ tài liệu "Intel Teach Getting Started" có điều chỉnh một số nội dung dành riêng cho giáo viên dạy tiếng Anh ở tiểu học để các thành viên Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 nghiên cứu, thẩm định trước khi phổ biến, sử dụng cho các khóa bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ và nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên. "Intel Teach Getting Started" là chương trình đào tạo giáo viên sử dụng CNTT một cách hữu ích nhất đã được Intel triển khai tại 80 nước trên thế giới cho khoảng 12 triệu giáo viên. Riêng ở Việt Nam đã từng có 100 nghìn thầy, cô giáo được đào tạo theo chương trình này.

Việc hỗ trợ giáo viên tổ chức, quản lý lớp học phù hợp để kích thích khả năng sáng tạo, tích cực của học sinh cũng là một phần trong lần hợp tác này. Theo đó, Intel sẽ cung cấp hệ thống phần mềm quản lý lớp học cho các nhà trường. Phần mềm này được cấp miễn phí, dễ dàng cài đặt vào hàng nghìn máy tính do Intel hỗ trợ trong một thỏa thuận hợp tác 4 năm. Các máy tính trong lớp được kết nối với nhau. Sau mỗi bài giảng, giáo viên có thể cho học sinh làm bài tập ngay tại lớp để biết được kết quả tiếp thu kiến thức của từng em nhằm kịp thời điều chỉnh phương pháp và tăng cường hỗ trợ cho những học sinh yếu.

Một giải pháp khác, cũng để hỗ trợ giáo viên dạy ngoại ngữ, sẽ được Intel phối hợp triển khai trong năm 2013 là nghiên cứu các mô hình e-learning hiệu quả, giúp cho việc dạy - học tiếng Anh cả ở trường lẫn ở nhà. Trong chương trình hợp tác với Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, Intel sẽ triển khai mô hình thí điểm tại một số trường học để tăng cường tương tác giữa phụ huynh, học sinh và giáo viên, giúp học sinh tiếp thu bài tốt hơn khi vừa nghe, viết và thực hành trên máy tính.

Theo kinh nghiệm của ông John Davies, Tổng Giám đốc Chương trình Intel World Ahead toàn cầu, nếu chỉ được nghe giảng, học sinh sẽ chỉ tiếp thu được khoảng 10% kiến thức; nếu được nghe và viết lại thì lượng kiến thức tiếp nhận đạt 20%. Nhưng với mô hình của Intel, các em có thể tiếp thu được tới 90% bài giảng. Không những thế, giáo viên còn có thể tăng hiệu quả dạy và học không chỉ với môn ngoại ngữ mà còn với các môn học khác. Các thầy cô cũng có thể đưa bài giảng và bài thực tập lên cổng thông tin của trường (school portal) để phụ huynh cùng xem, hướng dẫn và hỗ trợ con học tập. Chính sự tương tác nhiều phía ấy sẽ tạo nên hứng thú cho học sinh, đồng thời tăng cường gắn kết giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh. Ông Mai Sean Cang, Tổng Giám đốc Intel Việt Nam cho biết: Ưu điểm của các giải pháp là không chỉ hoạt động với các phòng lab trang bị mới, mà còn có thể sử dụng với các phòng máy tính đã được trang bị tại các trường học. Các trường có thể tái sử dụng các phòng máy tính có sẵn để phục vụ việc dạy và học ngoại ngữ mà vẫn hiệu quả và tiết kiệm.

Sau giai đoạn thí điểm năm 2013, mô hình này sẽ được đánh giá, rút kinh nghiệm và điều chỉnh, bổ sung để nhân rộng trong những năm tiếp theo. Đây là công cụ được kỳ vọng sẽ đem đến nhiều tiện ích trong việc nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ cho nhiều người.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cải thiện chất lượng dạy và học ngoại ngữ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.