(HNM) - Vở cải lương
Một cảnh trong vở “Nợ non sông” của Nhà hát Cải lương Hà Nội.Ảnh: Đức Triết |
Quan Thượng thư họ Phan lãnh trách nhiệm đi sứ để giải quyết tình trạng căng thẳng hiện thời, khi nước nhà ở vào tình trạng khó khăn, thực lực yếu ớt lại phải đối chọi với một quốc gia hùng mạnh. Việc cương quyết chống giặc hay cố hòa hoãn bằng mọi cách trở thành cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai phe trong triều đình nhà Nguyễn.
Phan Thượng thư là người đứng đầu phe kiên quyết chống chủ trương "cầu hòa", vậy mà ông đã ký vào bản Hòa ước, dâng 3 tỉnh cho người Pháp để rồi về nước, bị vua kết tội làm nhục quốc thể, bị người đời rẻ khinh vì mắc tội dâng đất tổ tiên cho ngoại bang. Không chỉ cả gia đình ông gặp nạn, mà ngay cả người con gái từng đính ước với con trai của Phan Thượng thư cũng lâm vào cảnh khốn đốn. Điều gì thực sự đã diễn ra đằng sau chữ ký tai họa của vị Thượng thư? Hiểu thế, biết thời, lựa theo người hay chính mình trở thành nạn nhân của tư tưởng trung quân mù quáng? Tất cả những câu hỏi đó đã trở thành ẩn số bí mật trong một giai đoạn lịch sử nhiều biến động mà vở diễn "Nợ non sông" đã nỗ lực lý giải.
Mang màu sắc một vở bi kịch, khi nhân vật chính gặp nhiều ẩn ức, đến chết vẫn chưa được minh oan… nhưng người sáng tạo không để màu sắc đau thương trùm lấp. Với cách làm cải lương hiện đại, mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chính đề tài lịch sử đã làm cho cải lương bớt đi tính sướt mướt, đạo diễn và tác giả đã đồng thuận để cùng sáng tạo một vở diễn khiến khán giả có thể khóc cười cùng nghệ sĩ. Tiêu biểu như màn cống nạp, hối lộ để xin giảm tội cho người thân, hay triết luận về nhân tình thế thái của người gác ngục… Bên cạnh đó, nhiều ẩn ức của nhân vật, những tâm sự ai oán của phu nhân quan Thượng thư - một phụ nữ có văn hóa, biết đối nhân xử thế… cùng lời trần tình về hoàn cảnh mà chồng bà mắc nạn đã lấy được nước mắt người xem. Ê kíp dựng vở khá cao tay khi để nhà vua, sau khi được Hoàng thái hậu chỉ rõ những điều nên làm, đích thân vào nhà ngục, nhận tội trước Phan Thượng thư, đẩy vở diễn lên cao một bước.
Tuy trong đêm tổng duyệt còn nhiều màn, cảnh phải chỉnh sửa, ở phần mỹ thuật và nhất là sáng tác âm nhạc còn nhiều trường đoạn chưa tốt. Song, với sự vững nghề của thế hệ diễn viên như Thanh Hương, Quang Tuấn, Trọng Nguyên… đây là vở cải lương có nhiều điểm mới, hấp dẫn.
Cũng qua sự kiện ra mắt công chúng bản diễn đầu tiên của sân khấu về Đại thần Phan Thanh Giản, người làm công tác nghiên cứu văn học nghệ thuật có thêm cơ sở để luận bàn về thực tiễn sáng tác đề tài lịch sử - một đề tài còn nhiều khoảng trống và cũng đầy thách thức với người nghệ sĩ hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.