Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải lương tìm đường phục hưng

An Nhi| 03/06/2018 07:32

(HNM) - Hầu hết khán giả xem vở “Thầy Ba Đợi” do các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (TP Hồ Chí Minh) phối hợp dàn dựng, đều cảm nhận đây là tác phẩm xứng đáng đặt dấu mốc một thế kỷ ra đời nghệ thuật cải lương.

Một cảnh trong vở “Thầy Ba Đợi”.


Một thế kỷ ra đời

“Thầy Ba Đợi” là công trình nghệ thuật đồ sộ và táo bạo của các nghệ sĩ cải lương Việt Nam. Nói như vậy bởi đây là công trình hiếm hoi do các nghệ sĩ ba miền Bắc - Trung - Nam cùng phối hợp thực hiện. Vở cải lương do PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản văn học, soạn giả Hoàng Song Việt và Phạm Văn Đằng chuyển thể cải lương, NSƯT Triệu Trung Kiên và nghệ sĩ Lê Trung Thảo đồng đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu chỉ đạo nghệ thuật, NSƯT Doãn Bằng thiết kế mỹ thuật, cùng ê kíp nghệ sĩ, diễn viên lên tới hơn 60 người.

Tác phẩm kể về cuộc đời nhạc sư Nguyễn Quang Đại (dân gian gọi là thầy Ba Đợi) - một nhạc quan Triều Nguyễn cuối thế kỷ XIX, được xem là người đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển nghệ thuật cải lương. Ông là người đã cải biên, sắp xếp, quy hoạch 20 bản tổ - là nòng cốt của nghệ thuật đờn ca tài tử, từ đó, hình thành ca ra bộ rồi sân khấu cải lương mà theo nhiều tài liệu khẳng định là hoàn thiện vào năm 1918.

Tác giả chọn lát cắt là thời điểm nhạc sư Nguyễn Quang Đại bôn ba vào Nam, với sứ mệnh vua Hàm Nghi truyền trước khi người bị đày sang Châu Phi, là phải giữ gìn nhã nhạc cung đình Huế. Câu chuyện lịch sử được kể không cứng nhắc mà lồng ghép với mối tình của nhạc sư với ân nhân Ái Hoa, con gái của viên quan tổng đốc. Đây cũng là tác phẩm sân khấu khá thú vị khi để 4 diễn viên vào vai thầy Ba Đợi từ trẻ đến già. Thực ra, chỉ cần hai diễn viên được hóa trang khéo là thành công.

Nhưng dường như đạo diễn muốn làm nổi bật sự hòa hợp của nhân vật thầy Ba Đợi với khung cảnh mình đang sống, nên NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Xuân Vinh, NSƯT Lê Tứ và nghệ sĩ Quang Khải cùng vào vai Nguyễn Quang Đại cho phù hợp với chất giọng từng vùng miền. Vở diễn cũng quy tụ các thế hệ giọng ca cải lương hàng đầu trên các sân khấu hiện nay. Ngoài bốn diễn viên kể trên, "Thầy Ba Đợi" còn có sự tham gia của NSND Vương Hà, NSƯT Thu Trang, NSƯT Quế Trân, nghệ sĩ Võ Minh Lâm… Vì vậy, những phần ca luôn đem lại sự hài lòng cho khán giả.

Điều đáng nói nhất ở vở cải lương này là sự cách tân rõ nét từ âm nhạc đến bài trí sân khấu và tiết tấu vở diễn. Ngoài các bài ca cải lương thì khán giả còn được thưởng thức các bài ca Huế, dân ca Nam Bộ ngọt ngào, da diết. Sân khấu sử dụng màn hình LED lớn, với những hình ảnh sinh động, liên tục thay đổi theo nhịp độ nhanh của vở diễn. Những ái ngại về sự lê thê, ủy mị, thiếu tình tiết đã được khắc phục ở tác phẩm này. Tuy nhiên, “Thầy Ba Đợi” dài đến 3 giờ, dù hấp dẫn đến mấy cũng chưa hẳn phù hợp với khán giả ngày nay, nhất là người trẻ.

Vượt qua thách thức

“Cải lương cũng như nhiều môn nghệ thuật truyền thống khác đang đứng trước thách thức lớn của thời đại công nghệ số, với những phương tiện giải trí phong phú, tiên tiến bủa vây. Nếu không tự mình đổi mới, bừng tỉnh thì khó lòng thoát khỏi tình trạng vắng bóng khán giả như hiện nay”, đó là nhận định của NSND Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL.

Đúng là các đêm diễn cải lương và nghệ thuật truyền thống nói chung chỉ đông khán giả, thậm chí nhà rạp phải kê thêm ghế cho người xem, trong những đêm công diễn vở mới khi phát vé miễn phí. Còn lại khi đã bán vé, khán giả rất vắng. Đối tượng khán giả trẻ đến rạp càng hiếm hơn.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, thực hiện vở diễn nhìn lại một thế kỷ hình thành nghệ thuật cải lương là "Thầy Ba Đợi" vừa để tri ân tổ nghề, vừa để thế hệ ngày nay hiểu biết về nghệ thuật truyền thống và trân trọng những giá trị mà cha ông đã sáng tạo ra. Nhưng vấn đề lớn của cải lương bây giờ là vượt qua những thách thức như thế nào để tồn tại và phát triển mạnh mẽ.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, những người làm nghề phải đứng trên nền móng cha ông để lại, đồng thời tiếp thu tinh hoa nghệ thuật biểu diễn thế giới cho mỗi lần sáng tạo, đúng như nguồn gốc tên gọi của cải lương - “Cải cách hát ca theo tiến bộ/Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”.

NSƯT Triệu Trung Kiên cho rằng, sau 100 năm hình thành và phát triển, nghệ thuật cải lương muốn thu hút được khán giả, đặc biệt là người trẻ thì chỉ nên giữ lại phần âm nhạc với những làn điệu cổ và cách thức soạn lời ca theo các bản nhạc để phù hợp với diễn biến và sắc thái tình cảm nhân vật trong vở diễn. Còn lại, tất cả các yếu tố khác cần thay đổi liên tục, có thể học hỏi sân khấu các quốc gia khác, có thể giao thoa với các loại hình sân khấu hiện đại và truyền thống, có thể áp dụng công nghệ mới...

NSND Vương Duy Biên gợi ý, cải lương hiện đại đã qua giai đoạn dựa vào các tình tiết bi ai để hấp dẫn khán giả, vì vậy, phải đắp vào đó những trò diễn mới. Ví dụ, ê kíp sáng tạo có thể sử dụng tình huống hài, nghệ thuật sắp đặt âm thanh, ánh sáng… để tạo sự chú ý của khán giả.

100 năm là một chặng đường dài và đáng tự hào của môn nghệ thuật cải lương khi đã đồng hành, chia sẻ buồn vui với nhiều thế hệ người Việt Nam. Nhưng giống như các môn nghệ thuật truyền thống khác, cải lương không thể đứng yên một chỗ mà cần những ý tưởng sáng tạo mới để tiếp tục sứ mệnh của mình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cải lương tìm đường phục hưng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.