(HNM) - Một trong 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm được nêu tại văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội là “đẩy mạnh cải cách hành chính; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế theo các chuẩn mực của OECD”. Thực hiện định hướng này, Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, từ đó giúp công tác quản lý ngân sách ngày càng hiệu quả, đồng thời tiết kiệm thời gian, chi phí cho khách hàng.
11/11 thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến mức độ 4
Là địa bàn lớn, có gần 10.000 đơn vị giao dịch, khối lượng thanh toán bình quân trên 15.000 chứng từ/ngày, yêu cầu về hiện đại hóa tại Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội là vô cùng cấp thiết. Vì vậy, đơn vị đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ.
Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, từ đầu năm 2020, đơn vị triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến trên toàn hệ thống. Đến năm 2021, 100% đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước đã tham gia dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, với 100% chứng từ giao nhận qua dịch vụ công trực tuyến.
Triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 chỉ là bước đầu, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính là mục tiêu cao nhất mà Kho bạc Nhà nước Hà Nội hướng tới. Vì vậy, đến năm 2022, Kho bạc Nhà nước Hà Nội đã cung cấp 11/11 thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đến các đơn vị sử dụng ngân sách; trong đó, 9/11 thủ tục hành chính đã được tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, Kho bạc tăng cường kiểm tra, giám sát từ xa, tiếp thu phản ánh của cá nhân, đơn vị giao dịch về chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Kết quả, toàn bộ hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết đúng hạn.
Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội cũng tập trung cải cách thủ tục hành chính trong thu ngân sách nhà nước và kiểm soát chi ngân sách nhà nước, hai lĩnh vực hoạt động chủ yếu của kho bạc. 218 tài khoản chuyên thu với ngân hàng thương mại đã được mở, phủ khắp toàn địa bàn thành phố điểm phối hợp thu giữa kho bạc với ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng.
Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội duy trì cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông” trong kiểm soát chi ngân sách nhà nước, bảo đảm giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện; giám sát chặt chẽ việc tiếp nhận hồ sơ, thời gian giải quyết, bảo đảm đơn giản, đầy đủ, minh bạch. Đồng thời, triển khai khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng đối với chất lượng phục vụ của từng đơn vị, giải quyết kịp thời các ý kiến phản ánh và chấn chỉnh các đơn vị trực thuộc tuân thủ quy trình nghiệp vụ, qua đó đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình thực thi công vụ.
Tiếp tục nâng chất lượng phục vụ
Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội là 1 trong 5 đơn vị thuộc hệ thống Kho bạc Nhà nước toàn quốc thí điểm thành công Chương trình thanh toán điện tử với ngân hàng theo mô hình tập trung và quy trình liên thông giữa các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến - Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) - thanh toán điện tử với ngân hàng. Đây là bước đột phá trong giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 kết hợp với thanh toán điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ nghiệp vụ của kho bạc và đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước giảm thời gian xử lý hồ sơ...
Với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hoạt động nghiệp vụ, quy trình tiếp nhận, giải quyết, hoàn trả và kiểm tra các kết quả thu, chi ngân sách được rút ngắn về thời gian; đồng thời bảo đảm an toàn trong kiểm soát chi và trong thanh toán. Về công tác quản lý thu, chi và kiểm soát chi ngân sách nhà nước, tính riêng năm 2022 (đến ngày 15-12-2022), thu ngân sách nhà nước là 313.546/311.650 tỷ đồng, đạt 100,6% dự toán, bằng 126,2% so với cùng kỳ năm trước. Số chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước Hà Nội là 120.080/190.995 tỷ đồng, đạt 62,9% dự toán giao.
Đáng chú ý, với mọi khoản thu, khách hàng không phải đến Kho bạc nộp như trước mà có thể nộp ngân sách nhà nước qua mạng 24/24 giờ (giảm từ 30 phút xuống còn 5 phút/giao dịch). Về kiểm soát chi đầu tư công, nếu như trước đây, với các khoản chi theo phương thức “thanh toán trước, kiểm soát sau”, thời gian giải quyết hồ sơ là 3 ngày thì nay chỉ trong 1 ngày. Kho bạc Nhà nước Hà Nội không để tồn đọng bất cứ hồ sơ nào mà không rõ lý do. Việc giải quyết hồ sơ với chi thường xuyên cũng rất nhanh gọn, thuận tiện.
Kế toán Văn phòng HĐND - UBND huyện Đan Phượng Lê Thị Thủy Thanh cho biết: “Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin của Kho bạc Nhà nước Hà Nội đã mang lại nhiều lợi ích. Khi làm các thủ tục, khách hàng không phải đến tận nơi mà làm qua mạng. Các thủ tục cũng được thực hiện nhanh và kịp thời”.
Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước Hà Nội cho biết, thời gian tới, kho bạc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, gắn chặt cải cách thủ tục hành chính với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các quy trình nghiệp vụ, công tác quản lý. Đồng thời triển khai và vận hành các chương trình công nghệ thông tin để ứng dụng vào các hoạt động nghiệp vụ theo hướng hoạt động của kho bạc số; tham gia tích cực và có hiệu quả các đề án ứng dụng công nghệ thông tin của UBND thành phố giao trong việc quản lý thu chi ngân sách địa phương. Đặc biệt, Kho bạc Nhà nước Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chương trình tiện ích để ứng dụng vào hoạt động nghiệp vụ, công tác quản lý, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.