Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cách nhận biết tôm bị bơm tạp chất

Thanh Hương| 01/04/2019 15:22

(HNMO) - Tôm bị bơm tạp chất thường có phần đầu bị phù, thậm chí nhô hẳn lên so với thân; gai đuôi vểnh, cánh đuôi xòe...



Bơm tạp chất vì lợi nhuận

Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an thành phố Hà Nội) phối hợp với Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội vừa bất ngờ kiểm tra cơ sở kinh doanh thủy sản Thanh Ngát (xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn), bắt quả tang các nhân viên của cơ sở này có hành vi bơm tạp chất vào tôm.

Đoàn công tác đã lập biên bản thu giữ phương tiện và hơn 100kg tôm đã bị bơm tạp chất cùng nhiều vật chứng liên quan. 


Theo bà Lê Thị Dung, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Chi cục Thủy sản Hà Nội, các chất được sử dụng để bơm, chích vào tôm thường là rau câu, tinh bột… hoặc có thể là hỗn hợp các chất trên. Các hợp chất này được pha với nước thành các dung dịch sệt để bơm, chích vào tôm.

Cũng có trường hợp, đối tượng sử dụng tôm nhỏ, giá trị thấp xay nhuyễn để bơm vào tôm giá trị cao. Việc bơm, chích tạp chất vào tôm có thể được thực hiện thủ công qua bơm kim tiêm hoặc hệ thống vòi áp lực. Trước đây, tôm được bơm tạp chất chủ yếu là tôm sú cỡ lớn, nhưng hiện nay các đối tượng bơm, chích cả tôm thẻ, tôm càng xanh...

Cơ sở kinh doanh đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu thường nhằm mục đích gian dối về kinh tế (làm tăng khối lượng, kích cỡ, làm thay đổi kết cấu, lừa dối cảm giác về độ tươi….). Theo các tài liệu kỹ thuật, lượng tạp chất tối đa đưa vào tôm có thể lên tới 20%, tức trong 10kg tôm, có thể có tới 2kg tạp chất.

"Việc đưa tạp chất vào tôm sẽ làm tôm trông to hơn, cỡ lớn hơn, mẫu mã đẹp hơn…, người mua nếu không phát hiện sẽ phải trả giá cao hơn so với tôm cùng loại chưa bơm tạp chất”, bà Lê Thị Dung nói.

Tôm có tạp chất: Nhô đầu, nắp mang phồng.


Việc bơm tạp chất vào tôm gây thiệt hại về kinh tế do gian lận thương mại, nhưng quan trọng hơn là gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Mức độ ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào các phương thức cũng như loại tạp chất được đưa vào tôm. Nếu tạp chất là các hóa chất không có tên trong danh mục các phụ gia, chất hỗ trợ chế biến theo quy định hoặc không được sản xuất chuyên dụng để dùng trong thực phẩm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Cách nhận biết tôm có tạp chất


Theo Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Chi cục Thủy sản Hà Nội, bằng cảm quan, người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận biết tôm đã được bơm tạp chất.

Tạp chất thường được bơm vào phần đầu, thân và đuôi nên người tiêu dùng tập trung vào các vị trí này để xác định tôm có tạp chất hay không. Cụ thể như sau:

Tôm có tạp chất: Phù đầu, giãn đốt, phần thân căng tròn.


Quan sát bên ngoài

Phần đầu tôm: Tôm đã bị bơm tạp chất thường có phần đầu bị phù, thậm chí nhô hẳn lên so với thân; nắp mang phồng, ngậm nước.

Phần thân tôm: Tôm có tạp chất có phần vỏ bụng đốt 1 hoặc đốt 3 (tính từ đầu xuống đuôi) bị trương phồng, ngậm nước, sờ tay vào thấy nổi vẩy. Đốt thứ 3 bị giãn, thân tôm bị căng, thậm chí căng tròn mất tự nhiên.

Tôm có tạp chất: Gai đuôi vểnh, cách xa cánh đuôi, cánh đuôi xòe.


Phần đuôi: Dấu hiệu tôm bị bơm tạp chất tại phần đuôi tương đối dễ nhận biết, đó là gai đuôi vểnh, cánh đuôi xòe.

Tôm tự nhiên không có dịch bất thường ở khối gan tụy.


Quan sát khi bóc tôm

Bóc vỏ đầu ức, cầm đầu tôm dốc đầu xuống dưới, dùng tay bóc vỏ đầu ức tôm để lộ ra phần thịt đầu. Dùng mũi dao nhọn lật và gạt khối gạch (gan tụy) lên làm lộ xoang đầu ức xem có đọng chất dịch bất thường hay không.

Tôm tự nhiên không có dịch bất thường ở khối gan tụy; xoang ức đầu không có tạp chất, khô ráo, không có dịch nhầy. Nếu tôm bị bơm tạp chất, xoang ức đầu có dịch và mùi lạ.

Với tôm tự nhiên, xoang ức đầu không có tạp chất, khô ráo, không có dịch nhầy trong khi tôm bị bơm tạp chất xoang ức đầu có tạp chất, có mùi lạ.


Bóc vỏ thân tôm: Sau khi bóc vỏ thân tôm, cần chú ý quan sát bề ngoài của thân, đặc biệt các đốt thịt thứ 3, 4 và 6 xem có biểu hiện của sự phù nề các đốt cơ hay không.

Ở những thân tôm bị bơm tạp chất, có thể thấy rõ các đốt cơ bị phù nề không tự nhiên. Đối với tôm bị bơm nhiều tạp chất, dùng kim châm vào vị trí bụng hay lưng đốt cơ bị phù nề và lấy tay nặn có thể thấy tạp chất đùn ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách nhận biết tôm bị bơm tạp chất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.