(HNM) - Mặc dù tình trạng ngộ độc nấm đã được các nhà khoa học khuyến cáo rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng hằng năm vẫn còn khá nhiều ca ngộ độc gây nên những cái chết thương tâm, nhất là với bà con ở vùng sâu, vùng xa ít hiểu biết.
Để giúp người dân phân biệt nấm có chứa độc tố, các nhà khoa học đưa ra một vài đặc điểm nhận dạng bên ngoài dễ nhận biết của một số loại nấm độc. Theo đó, đa số các loại nấm độc đều có màu sắc sặc sỡ. Một số loại nấm độc thường gặp là nấm độc ô tán trắng phiến xanh, nấm độc trắng hình nón, nấm mũ khía nâu xám… Đặc điểm loại nấm độc ô tán trắng phiến xanh có mũ màu xanh đen nhạt, đường kính từ 6 đến 12cm, bao gốc dạng đài hoa và có vòng nấm màu trắng ở trên cuống. Còn nấm độc có mũ hình nón màu trắng, đường kính từ 7 đến 10cm, có bao gió dáng đài hoa và có vòng nấm màu trắng ở trên cuống. Với nấm độc mũ khía nâu xám hình dạng nón dẹt có khía từ đỉnh xuống, đường kính từ 3,5 đến 8cm, có sắc thái nâu xám. Tất cả các loại nấm độc trên đều mọc trong rừng và ngoài tự nhiên.
Ngoài khuyến cáo bà con các địa phương tuyệt đối không thu hái, mua bán và sử dụng các loại nấm có màu sắc sặc sỡ, các nhà khoa học cũng lưu ý thêm, người dân chỉ nên hái nấm khi biết chắc là ăn được, không được ăn nấm lạ, không ăn thử nấm. Nấm tươi mới hái nên sơ chế và sử dụng ngay, vừa bảo đảm an toàn vừa giúp các chất dinh dưỡng trong nấm không bị mất đi. Nếu để nấm lâu ngày, không bảo quản cẩn thận, nấm bị ôi và nát cũng có thể gây ngộ độc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.