Thời gian qua, cả nước có nhiều người bị ngộ độc do ăn phải nấm độc. Cụ thể, ngày 22-6, 14 người ở tỉnh Lai Châu ngộ độc sau khi ăn nấm lạ hái trong vườn.
Ngày 23-6, 1 nam giới 37 tuổi ở tỉnh Lạng Sơn bị ngộ độc do ăn phải nấm đỏ mua ngoài chợ. Trước đó, các tỉnh phía Nam cũng xảy ra nhiều vụ ngộ độc nấm, trong đó có 2 người ở tỉnh Tây Ninh tử vong. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), khuyến cáo người dân cần phân biệt các loại nấm, nhận biết nấm độc, sử dụng nấm có nguồn gốc rõ ràng để tránh ngộ độc.
Theo Cục An toàn thực phẩm, nấm độc thường có đủ mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc. 4 loại nấm độc phổ biến ở Việt Nam có thể gây ngộ độc là nấm mũ khía nâu xám, nấm độc tán trắng, nấm độc trắng hình nón và nấm ô tán trắng phiến xanh. Nấm mũ khía nâu xám có mũ hình nón hoặc hình chuông, đường kính 2-8cm, đỉnh nhọn, có các sợi tơ màu từ vàng đến nâu tỏa ra từ đỉnh mũ xuống mép mũ nấm... Còn nấm độc tán trắng có mũ nấm màu trắng, bề mặt mũ nhẵn bóng, lúc non đầu tròn hình trứng, mũ nấm đính chặt vào cuống. Khi trưởng thành mũ nấm phẳng với đường kính khoảng 5-10cm, khi già mép mũ có thể cụp xuống.
Với loại nấm độc trắng hình nón trông gần giống nấm độc tán trắng. Mũ nấm độc trắng màu trắng, bề mặt nhẵn bóng, lúc non đầu tròn hình trứng, mép khum đính chặt vào cuống. Khi trưởng thành mũ nấm độc trắng thường khum hình nón, đường kính khoảng 4-10cm. Riêng loại nấm ô tán trắng phiến xanh có mũ lúc còn non hình bán cầu dài, màu vàng nhạt, có các vảy nhỏ màu nâu nhạt hoặc xám nhạt. Khi trưởng thành mũ nấm hình ô hoặc trải phẳng, màu trắng, đường kính mũ 5-15cm. Trên bề mặt mũ nấm có các vảy mỏng màu nâu bẩn, vảy dày dần về đỉnh mũ. Nấm ô tán trắng phiến xanh độc tính thấp hơn ba loại trên, chủ yếu gây rối loạn tiêu hóa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.