(HNM) - Giá đỗ là món ăn nhiều chất dinh dưỡng hơn so với hạt đậu ban đầu, trong đó vitamin B1 tăng gấp 4 lần, vitamin C tăng gấp 4-5 lần. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, nhiều người sản xuất, kinh doanh đã sử dụng chất kích thích để kích cho giá đỗ nhanh tăng trưởng, gây hại tới sức khỏe người tiêu dùng. Vậy, làm cách nào để phân biệt giá đỗ sạch và giá đỗ chứa hóa chất?
Hai hợp chất mà nhà sản xuất thường sử dụng để kích thích giá đỗ tăng trưởng là Pchlorophenoxyacetic a xít và 6-Benzylaminopurine được hòa tan trong dung dịch Na2CO3. Cả hai hợp chất này đều không có trong danh mục các hóa chất được phép sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế quy định và cũng không có trong danh mục các thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng được phép sử dụng theo quy định của Bộ NN&PTNT. Hai loại hợp chất kích thích tăng trưởng trong quá trình sản xuất giá đỗ ngấm vào thân mầm không thể rửa sạch trong nước nên khi con người ăn phải, chất độc sẽ tích tụ ở gan, thận… gây ra các bệnh khác nhau.
Theo các chuyên gia Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, để nhận biết được giá đỗ an toàn phải có thiết bị đo lường thực phẩm của Cục An toàn thực phẩm, tuy nhiên có thể phân biệt giá đỗ an toàn và giá đỗ có chất kích thích tăng trưởng bằng cảm quan. Giá đỗ an toàn: Thân cây mảnh, rễ dài, mầm lá được đẩy ra ngoài; vỏ hạt đỗ được bong ra từ cây có màu xanh như màu xanh hạt đỗ bình thường. Giá đỗ không an toàn: Lá không nảy ra khỏi hạt mầm, thân cây mập, ngắn, rễ không phát triển; vỏ hạt đỗ được bong ra từ cây sử dụng chất kích thích nhìn có màu xanh đen do bị phản ứng hóa học tác động. Lưu ý, một đặc điểm dễ nhận thấy nhất khi quan sát bằng mắt thường là: Thân của giá đỗ an toàn có màu trắng đục, trắng sữa. Còn trong thân cây giá đỗ sử dụng hóa chất có màu trắng muốt bởi trong chất kích thích có chất tẩy trắng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.