Bệnh tay chân miệng (TCM) vẫn đang diễn biến phức tạp, ngày càng có thêm nhiều người mắc. Tôi có hai con nhỏ cùng ở tuổi đi học mầm non nên rất lo lắng, không biết khi trẻ mắc bệnh sẽ phải chăm sóc như thế nào?
Chị Mai Anh (Đống Đa - Hà Nội)
Mặc dù bệnh TCM vẫn tiếp tục có nhiều ca mắc mới nhưng phụ huynh không nên quá lo lắng, vì đa phần trẻ chỉ bị nhẹ và có thể tự khỏi trong vòng vài ngày, chỉ có một số trường hợp biến chứng nặng mới cần phải nhập viện điều trị.
Triệu chứng của bệnh là sốt (có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao), nổi hồng ban, nốt bỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối; loét họng, miệng; ngủ hay giật mình, quấy khóc. Phụ huynh chỉ nên cho uống thuốc hạ sốt khi thấy trẻ sốt cao hơn 38,5 độ C, không được tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh; lau người cho trẻ bằng nước ấm. Pha nước muối cho trẻ súc miệng nhiều lần trong ngày để tránh bội nhiễm. Cho trẻ ăn uống đồ mát, loãng như sữa, cháo, ăn mỗi lần một ít và chia làm nhiều lần. Phụ huynh phải thường xuyên theo dõi diễn biến sức khỏe của trẻ, nếu thấy trẻ có biểu hiện biến chứng nặng như sốt cao liên tục (trên 39 độ C) và uống thuốc vẫn không hạ; khi ngủ giật mình liên tục, hoảng hốt; chân tay run, quấy khóc li bì, lừ đừ; đi đứng loạng choạng; thở nhanh, khó thở, mệt mỏi; nôn ói nhiều; co giật, hôn mê thì lập tức đưa trẻ đến bệnh viện. Nhập viện sớm và được điều trị kịp thời thì khả năng khỏi bệnh rất cao.
Nên cho trẻ bị bệnh nghỉ học và khi được điều trị khỏi, cả bệnh nhi và người chăm sóc vẫn phải cách ly khoảng 10 ngày để tránh lây nhiễm cho người khác. Điều quan trọng nhất trong việc phòng và điều trị bệnh là rửa sạch tay bằng xà phòng diệt khuẩn cho cả trẻ và người chăm sóc, nhưng nên dùng xà phòng có tính sát khuẩn dạng lỏng hoặc dạng cục có nhiều bọt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.