(HNM) - Ngay giữa tháng 12-2019, do lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về ít hơn so với trung bình những năm qua, nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã phải đối mặt với xâm nhập mặn diễn ra sớm và gay gắt. Hiện các bộ, ngành và các địa phương đã có kế hoạch để tập trung đối phó với vấn đề này.
Xâm nhập mặn đến sớm
Một ngày giữa tháng 12-2019, cặm cụi len giữa 10.000 cây cúc mâm xôi trong vườn nhà sẽ cho thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán 2020, bà Phan Thị Bé (ngụ tại xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) múc từng gáo nước ngọt lấy từ bể của nhà (do nguồn nước sông rạch quanh đó đã bị nhiễm mặn) tưới từng gốc cây. “Độ mặn đo hồi sáng vượt ngưỡng có thể tưới cho cây đến 4 lần, nên tôi không dám dùng nước kênh”, bà Phan Thị Bé chia sẻ.
Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, ngay giữa tháng 12-2019, độ mặn trên các sông chính trong tỉnh đột ngột tăng cao. Cụ thể, độ mặn đo được tại các con sông chính như: Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên khoảng 4‰, vào sâu tới 47km.
Ngoài tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn còn diễn ra ở nhiều địa phương khác như: Trà Vinh, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Tiền Giang… Tại Vĩnh Long, theo quy luật nhiều năm, địa phương thường chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn từ tháng 2 đến tháng 5; độ mặn cao nhất thường xuất hiện trong tháng 3, tháng 4. Vậy nhưng trong những năm gần đây, quy luật này đã thay đổi, mặn xâm nhập sớm hơn và độ mặn cao hơn. Chưa năm nào như tháng 12-2019, tại cống Nàng Âm, độ mặn lên đến mức 8,2‰, tại vàm Vũng Liêm mức 6,6‰.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, từ tháng 12-2019 đến tháng 2-2020, tổng lượng nước sông Mê Kông về Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 25,6 tỷ mét khối, thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khoảng 3,4 tỷ mét khối.
Còn ông Lương Văn Anh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, khả năng hạn, mặn mùa khô 2019-2020 sẽ khốc liệt bằng hoặc hơn năm 2015-2016.
Ứng phó cả trước mắt và lâu dài
Xác định năm nay tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đến sớm, ngay từ tháng 9-2019, Bộ NN&PTNT đã có công văn gửi các địa phương về việc xây dựng kế hoạch cụ thể để phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh.
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Tùng cho hay, trong điều kiện bình thường, diện tích lúa đông xuân hằng năm ở Đồng bằng sông Cửu Long là khoảng 1,6 triệu héc ta. Tuy nhiên, vụ đông xuân 2019-2020, diện tích canh tác dự kiến giảm 50.000ha để chủ động thích ứng và giảm thiểu thiệt hại nếu xâm nhập mặn diễn ra như dự báo.
Cùng với đó, khung thời vụ đã được đẩy sớm ngay từ đầu tháng 10-2019. Cụ thể, những địa phương vùng ven biển có nguy cơ hạn cuối vụ như: Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng… xuống giống sớm. Một số vùng xuống giống muộn thì phải kết thúc việc xuống giống từ ngày 10-1-2020. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), tính đến giữa tháng 12-2019, toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn trên 300.000ha lúa vụ đông xuân chưa xuống giống.
Với tình hình hạn, mặn đến sớm như thời điểm này, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng cho biết sẽ đề xuất Bộ NN&PTNT khuyến cáo chuyển đổi thêm 50.000ha lúa đông xuân sang các loại cây trồng khác tiết kiệm nước và thích ứng với hạn mặn.
Hiện nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã lên kế hoạch chủ động né, chống mặn. Tại Tiền Giang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Trần Hoàng Bá cho biết, công ty đề ra nhiều biện pháp nhằm chủ động ứng phó nguy cơ hạn hán khắc nghiệt, bảo vệ gần 40.500ha đất sản xuất và đời sống người dân vùng dự án ngọt hóa Gò Công. Trong trường hợp mặn xâm nhập sâu thì vận hành cống Xuân Hòa lấy ngọt liên tục khi điều kiện cho phép. Đối với những cống không bảo đảm ngăn mặn thì đắp kín, không cho mặn xâm nhập nội đồng.
Tại An Giang, chính quyền và các ban, ngành chức năng của tỉnh đang triển khai phương án phòng, chống hạn, xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất với diện tích trồng lúa và hoa màu trên 260.000ha. Tỉnh yêu cầu các địa phương hướng dẫn người dân lấy nước, trữ nước ngọt dùng trong thời gian dài. Các địa phương và đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh phải tính toán, cân đối dành nguồn nước ưu tiên cho cấp nước sinh hoạt, công nghiệp đến hết mùa khô hạn.
Về lâu dài, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) Trần Công Thắng cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long cần được quy hoạch lại phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng: Với lúa gạo, sẽ xây dựng vùng sản xuất cố định an toàn và vùng có thể cho phép chuyển đổi linh hoạt, nhưng với định hướng sẽ giảm diện tích và chuyển sang lúa chất lượng cao.
Với trái cây, sẽ hướng đến tập trung chuyển đổi nâng cao chất lượng, xây dựng vùng chuyên canh, sản xuất bền vững, phát triển doanh nghiệp chế biến. Với thủy sản, sẽ tăng diện tích, chuyển đất lúa sang thủy sản ở một số vùng nước mặn, lợ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.