Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động thích ứng với xâm nhập mặn

Minh Điền| 13/03/2023 07:19

(HNM) - Tháng 3 hằng năm là cao điểm mùa khô của miền Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng; nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng. Tuy nhiên, nông dân đã chủ động thích ứng với xâm nhập mặn, thực hiện tốt chiến lược của Chính phủ về thuận tự nhiên để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Sau hơn 1 năm vận hành, siêu cống ngăn mặn Cái Lớn - Cái Bé tại tỉnh Kiên Giang đã bước đầu chủ động điều tiết nước mặn, ngọt, lợ cho nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nước mặn, lợ, ngọt đều có ích

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, tháng 3 là thời điểm xâm nhập mặn xảy ra lớn nhất trong mùa khô năm nay trên các cửa sông chính Cửu Long. Nước mặn với nồng độ 4‰ gây hại cho cây ăn trái và lúa có thể xâm nhập sâu 45-60km. Gió chướng mạnh có thể làm mặn vào sâu 50-65km. Viện khuyến cáo các địa phương cần chủ động những giải pháp ứng phó, tạo nguồn nước cho sinh hoạt và cây trồng cạn…

Nước mặn đang là niềm mong mỏi của người dân vùng U Minh Thượng (gồm các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng) và một phần diện tích của huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, bởi đã vào mùa thả tôm giống. Nếu có nước mặn 5-7%, tôm sinh trưởng tốt hơn, tạo tiền đề cho vụ tôm thắng lợi.

Ông Trương Quang Dũng, nông dân xã Hưng Yên, huyện An Biên cho biết, sau khi thu hoạch lúa từ trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, gia đình ông đã cải tạo đất ao thả tôm giống. “Thời điểm thích hợp thả tôm giống là từ giữa tháng 2. Nhưng năm nay, nước mặn về muộn, nồng độ chỉ khoảng 2% nên gia đình thả trễ vụ khoảng 1 tháng”, ông Dũng nói.

Sau đợt hạn mặn lịch sử năm 2016, tỉnh Kiên Giang đã chuyển đổi khoảng 110.000ha diện tích trồng lúa sang luân canh tôm - lúa để thích ứng, tập trung ở vùng U Minh Thượng. Kết quả là mô hình này giúp nông dân có thu nhập ổn định và phát triển tốt hơn, do đất “sinh sôi” quanh năm, không chỉ có 1 vụ lúa như trước đây.

Tại Vĩnh Long, nước mặn 4,7‰ đã xuất hiện ở một số tuyến sông sâu trong nội địa. Tuy nhiên, người nông dân vùng trồng sầu riêng tại huyện Vũng Liêm không quá lo lắng, bởi tình hình này đã được ngành Nông nghiệp dự báo qua ứng dụng CMS được thiết lập từ cuối năm 2022. Cùng với đó, hệ thống đê bao hoàn chỉnh trong vùng đã góp phần bảo vệ vùng trồng cây ăn trái của địa phương.

Do có dự báo chính xác, 44 hộ tham gia Tổ hợp tác sầu riêng ở xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm đã chủ động tạo ao trữ nước ngọt trong vườn nhà để chủ động nguồn nước tưới suốt mùa hạn 25ha cây trồng. Hiện cây sắp thu hoạch, năng suất ước đạt 2 tấn/ha. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũng Liêm Lê Thị Thanh Vân, cũng với cách làm này, hơn 1.200ha trồng sầu riêng của huyện không bị xâm nhập mặn gây hại.

Hoàn thiện hệ thống thủy lợi

Hệ thống cống ngăn mặn Cái Lớn - Cái Bé (tỉnh Kiên Giang) là công trình “trị thủy” khổng lồ tại Đồng bằng sông Cửu Long, kiểm soát nước ngọt, lợ, mặn cho hơn 384.000ha đất nông nghiệp tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng. Công trình được đưa vào vận hành từ tháng 11-2021.

Qua hơn 1 năm vận hành, hệ thống cống đã giúp các địa phương thượng nguồn ổn định sản xuất nông nghiệp. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn, năm 2022, địa phương vẫn duy trì sản xuất nông nghiệp tại 247.000 héc ta nằm trong vùng dự án (64% diện tích vùng hưởng lợi dự án).

Cả 7 huyện của Kiên Giang vẫn duy trì được diện tích lúa 311.000 héc ta như năm 2021; sản lượng lúa thu hoạch đạt 1,9 triệu tấn so với 1,8 triệu tấn của năm 2021. Diện tích thả nuôi thủy sản đạt 265.000ha, duy trì 60% cơ cấu và mục tiêu của tỉnh.

Tuy nhiên, vùng hạ lưu cống lại bị ngập khi triều cường. Theo số liệu của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, quá trình đóng cống Cái Lớn - Cái Bé ngăn mặn mùa khô 2021-2022, mực nước hạ nguồn sau cống đã tăng lên khoảng 20cm, gây ngập một số vùng chưa hoàn thiện hệ thống cống và đê bao, gây nhiều khó khăn cho người dân trong vùng.

Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam (đơn vị vận hành dự án Cái Lớn - Cái Bé) Nguyễn Việt Anh, vẫn còn tình trạng chưa kiểm soát triệt để nước mặn (khống chế độ mặn) vào các kênh Xẻo Rô - Cán Gáo. Điều đó dẫn đến việc chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng nước mặn, lợ, ngọt khác nhau của nông dân các huyện Long Mỹ (Hậu Giang), Hồng Dân (Bạc Liêu) và Gò Quao của Kiên Giang.

Ông Nguyễn Việt Anh nói: “Nông dân ở Hồng Dân và Gò Quao cần nước mặn, trong khi nông dân ở Long Mỹ lại cần nước ngọt. Vì vậy, chúng ta phải vừa hoàn thành hệ thống cống kiểm soát nước, vừa phải có quy trình vận hành hệ thống phù hợp hơn với thực tế, từ đó đáp ứng nhu cầu về nước canh tác của từng vùng”.

Đây cũng là kiến nghị của Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang về thiết lập cơ chế vận hành cống phù hợp với mô hình tôm - lúa vùng U Minh Thượng. Địa phương cũng sẽ chủ động phối hợp điều tiết nước tại 17 cống dọc tuyến đê biển An Biên - An Minh.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã đề nghị Cục Thủy lợi và 5 tỉnh trong vùng ảnh hưởng dự án sớm ban hành quy chế phối hợp và quy trình vận hành cống trong quý II-2023.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động thích ứng với xâm nhập mặn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.