Thế giới

Các quốc gia Đại Tây Dương đẩy mạnh hợp tác ở nhiều lĩnh vực then chốt

Thương Nguyệt 19/09/2023 - 13:15

Sáng 19-9 (giờ Hà Nội), AP đưa tin, hơn 30 quốc gia Đại Tây Dương đã cam kết tăng cường phối hợp trong nhiều lĩnh vực quan trọng như phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, hàng hải…

Tại Hội nghị Bộ trưởng về hợp tác Đại Tây Dương do Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chủ trì trước thềm cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc, các quốc gia khu vực Đại Tây Dương đã chính thức thông qua “Tuyên bố về hợp tác Đại Tây Dương”.

Tuyên bố bao gồm cam kết về một khu vực Đại Tây Dương rộng mở không có sự can thiệp, ép buộc hoặc hành động gây hấn. Các quốc gia ký kết cũng nhất trí duy trì sự bình đẳng về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các bên, đồng thời công nhận vai trò của mỗi quốc gia ở Đại Tây Dương.

Ngoại trưởng Antony Blinken nêu rõ, Đại Tây Dương là khu vực có hoạt động vận chuyển quốc tế lớn nhất và cũng là tuyến đường truyền dữ liệu hơn bất kỳ đại dương nào khác thông qua các tuyến cáp dưới biển.

untitled(1).png
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại cuộc họp về hợp tác khu vực Đại Tây Dương. Ảnh: The Independent

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Antony Blinken lưu ý, Đại Tây Dương đang bị đe dọa bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khiến các cơn bão mạnh hơn và gây mức độ tàn phá nghiêm trọng hơn đối với các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương, cũng như hoạt động đánh bắt cá hợp pháp.

Nỗ lực thắt chặt sự phối hợp giữa các quốc gia ven biển Đại Tây Dương trên khắp châu Phi, châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ đã được triển khai bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2022 với việc thành lập diễn đàn “Đối tác hợp tác Đại Tây Dương”.

Mỹ coi diễn đàn này là biện pháp để cải thiện sự hợp tác giữa các quốc gia ở phía Bắc và Nam Đại Tây Dương trong các vấn đề quan trọng, hướng đến mục tiêu thống nhất một bộ nguyên tắc cho khu vực Đại Tây Dương.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, các hoạt động thương mại ở Đại Tây Dương đóng góp 1,5 nghìn tỷ USD hằng năm cho nền kinh tế toàn cầu. Dự kiến ​​con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030.

Các ngành kinh tế đại dương bền vững ước tính tạo ra gần 50 triệu việc làm ở châu Phi và đóng góp 21 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ Latinh.

Bên cạnh những thông tin tích cực, Đại Tây Dương vẫn đối mặt với nhiều thách thức như đánh bắt cá bất hợp pháp, thảm họa thiên nhiên và buôn bán trái phép.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các quốc gia Đại Tây Dương đẩy mạnh hợp tác ở nhiều lĩnh vực then chốt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.