(HNM) - Từ ngày 29-11 đến 2-12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước đến Mỹ theo lời mời của Tổng thống Joe Biden để củng cố mối quan hệ đồng minh. Chuyến thăm cũng khẳng định những nỗ lực của Tổng thống Pháp nhằm nâng cao vị thế và vai trò của đất nước hình lục lăng trên trường quốc tế từ khi giữ vị trí “ông chủ” điện Elysee vào năm 2017.
Chuyến thăm của nhà lãnh đạo Pháp được kỳ vọng sẽ là bước tiến mới cho mối quan hệ đồng minh lâu đời giữa Pháp và Mỹ sau sóng gió cách đây hơn một năm, khi liên minh Mỹ, Anh, Australia (AUKUS) thành lập khiến Pháp mất hợp đồng cung cấp tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ USD cho Australia.
Sự kiện này không chỉ gây bất bình trong chính giới Pháp mà còn khiến lòng tin giữa hai bờ Đại Tây Dương suy giảm khi châu Âu cảm thấy bị gạt bỏ khỏi chương trình hợp tác với Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) trị giá gần 370 tỷ USD do Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ có hiệu lực kể từ đầu năm 2023 đang có nguy cơ ảnh hưởng tới hợp tác thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Các nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng, IRA là hành vi bảo hộ mậu dịch của Washington khi trợ cấp hào phóng cho các nhà sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, chống biến đổi khí hậu, nhất là trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng và phát triển ngành công nghiệp xe điện.
Trên bình diện thế giới, cả Mỹ và Pháp đang phải đối phó với hàng loạt khó khăn kinh tế do khủng hoảng năng lượng và lạm phát. Tổng thống Pháp mang sứ mệnh là đại diện của châu Âu đàm phán đưa giá khí tự nhiên hóa lỏng (NLG) của Mỹ bán cho châu Âu về mức hợp lý thay vì đang được bán đắt gấp 4 lần như hiện nay. Bên cạnh đó, cuộc chạy đua mở rộng ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương giữa các nước lớn ngày càng gay gắt trên các lĩnh vực. Bởi vậy, việc xích lại gần nhau giữa hai đồng minh truyền thống sẽ giúp tăng thêm sức mạnh để đối phó với các thách thức toàn cầu.
Dựa vào kết quả các cuộc hội đàm cấp cao và tuyên bố chung được đưa ra, có thể thấy rằng Tổng thống Emmanuel Macron và người đồng cấp Joe Biden đang tích cực thu hẹp bất đồng xuống mức thấp nhất. Thông cáo chung giữa hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh, Mỹ và Pháp khẳng định là những cường quốc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tiếp tục củng cố quan hệ đối tác để thúc đẩy an ninh, thịnh vượng, tôn trọng luật pháp quốc tế và trật tự thế giới dựa trên luật pháp, bao gồm tự do đi lại. Mỹ cam kết sẽ hỗ trợ và đóng góp vào các hoạt động triển khai của Pháp, EU tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Để “hạ nhiệt” căng thẳng liên quan tới Đạo luật IRA, Mỹ và EU sẽ thành lập nhóm chuyên trách để củng cố quan hệ đối tác song phương về năng lượng sạch và khí hậu nhằm có lợi cho cả hai. Mỹ cũng có thể xem xét miễn trừ áp dụng điều khoản của IRA cho một số đồng minh và đối tác có hiệp định tự do thương mại với nước này. Bên cạnh đó, hai bên khẳng định chia sẻ tầm nhìn chung về việc củng cố an ninh, tăng cường thịnh vượng trên toàn thế giới, chống biến đổi khí hậu.
Trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, Mỹ, Pháp cùng các đồng minh châu Âu đã thống nhất hành động áp đặt nhiều lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, đồng thời cung cấp nhiều khoản viện trợ lớn về tài chính, vũ khí cho Ukraine. Mỹ và châu Âu cũng cùng nhau tham gia đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran; hợp tác với các đồng minh thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở; xử lý vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên; thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông...
Nhìn chung, chuyến thăm Mỹ lần này của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đánh dấu bước tiến mới trong tiến trình củng cố và cải thiện quan hệ song phương Mỹ - Pháp cũng như tổng thể quan hệ Mỹ - châu Âu. Nói một cách khác, kết quả của chuyến thăm không chỉ tác động tới quan hệ hai nước, mà còn tới tổng thể quan hệ xuyên Đại Tây Dương...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.