(HNM) - Ngày 19-6, tại TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Tổ đại biểu Quốc hội khóa XIV, Đơn vị 1 - TP Hồ Chí Minh đã tiếp xúc cử tri quận 1, quận 3, quận 4 để thông báo kết quả kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV và tiếp thu, giải đáp các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao đổi với các cử tri quận 1, quận 3 và quận 4 (TP Hồ Chí Minh).Ảnh: Nhan Sáng – TTXVN |
Các đại biểu cử tri nêu nhiều ý kiến xung quanh Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua, trong đó nhấn mạnh yêu cầu phải có giải pháp quản lý, chế tài xử lý phù hợp với những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Cử tri nêu ý kiến đề nghị xử lý nghiêm những phần tử gây rối, kích động, chống đối và công khai việc xử lý trên phương tiện thông tin đại chúng nhằm tăng tính răn đe. Cử tri hoan nghênh Quốc hội lùi thời gian xem xét và thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, nhất là với những nội dung cần phải được cân nhắc kỹ hơn trước khi đưa ra Quốc hội tại kỳ họp sau. Cử tri cũng nêu ý kiến về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; vấn đề cải cách và bệnh thành tích trong giáo dục...
Trả lời ý kiến của nhiều cử tri xung quanh Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, đây là chủ trương lớn của Đảng trong nhiều nhiệm kỳ, với mục tiêu xây dựng thể chế đột phá, ưu đãi vượt trội, đủ sức cạnh tranh thu hút đầu tư với khu vực và quốc tế, tạo động lực phát triển cho các đặc khu, lan tỏa đến các vùng kinh tế và cả nước, góp phần phát triển kinh tế đất nước nhanh, bền vững, gắn với bảo đảm độc lập chủ quyền, quốc phòng, an ninh. Đây là dự án luật quan trọng, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, Dự án Luật này được cơ quan soạn thảo chuẩn bị nghiêm túc, công phu, thận trọng; tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước. Chủ tịch nước đồng tình với ý kiến về khía cạnh cần nghiên cứu kỹ càng, thận trọng, chuẩn bị đủ điều kiện mới đưa ra Quốc hội xem xét và thông qua.
Về Luật An ninh mạng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, Luật An ninh mạng nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; phòng ngừa, đấu tranh, làm thất bại hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động biểu tình, phá rối an ninh trên không gian mạng của các thế lực thù địch, phản động....
Chủ tịch nước khẳng định, việc ban hành Luật An ninh mạng nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về an ninh mạng; bảo đảm sự phù hợp với Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự phù hợp với thông lệ quốc tế. “Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, 138 quốc gia (trong đó có 95 nước đang phát triển) đã ban hành Luật An ninh mạng. Mặc dù tên gọi khác nhau nhưng nội dung chính của luật này đều nhằm bảo đảm an ninh thông tin của các doanh nghiệp và cơ quan công quyền, cũng như bảo vệ tốt hơn người dân trên internet. Hiện nay, có 18 quốc gia yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ mạng, nhất là mạng xã hội, phải lưu trữ dữ liệu tại quốc gia đó... Đây là yêu cầu cấp thiết vừa bảo đảm an ninh quốc gia vừa bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân đã được Hiến pháp quy định”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.
Về những vụ gây rối an ninh trật tự, phá hoại tài sản, chống người thi hành công vụ tại một số địa phương vừa qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ đồng tình với ý kiến của cử tri về biện pháp xử lý của cơ quan chức năng; đồng thời đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính
trị - xã hội các cấp, cử tri thành phố cần tăng cường phối hợp chặt chẽ, chủ động trong công tác nắm tình hình, không để bị động, bất ngờ. Cùng với đó phải tăng cường tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu rõ về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, không nghe theo sự xúi giục, kích động của phần tử xấu, không có hành vi quá khích, vi phạm pháp luật, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước.
Trao đổi về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và những kết quả đạt được, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ: Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước là kiên trì, kiên quyết, đấu tranh có hiệu quả nhằm ngăn chặn, loại trừ tội phạm tham nhũng đang đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã đạt một số kết quả rất đáng ghi nhận, nhưng chưa đạt được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân mong muốn. Chính vì thế công cuộc đấu tranh này phải được triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới. Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước là đồng thời xem xét trách nhiệm của cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan để xảy ra tham nhũng và những cán bộ của cấp ủy, các cơ quan có liên quan trực tiếp đến các vụ việc tham nhũng. Các vụ án kinh tế cũng phải được xem xét, xử lý đúng quy định.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng chia sẻ, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi, bổ sung thêm nhiều nội dung nhằm đấu tranh ngăn chặn tội phạm này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.