(HNMO) - Chiều 19-1, Tổ công tác xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) của UBND thành phố Hà Nội tổ chức tọa đàm về thi hành Luật Thủ đô và đề xuất cơ chế, chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chủ trì tọa đàm.
Tham dự tọa đàm còn có Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai; cùng đại diện các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, các sở, ngành của thành phố.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua năm 2012 có tính chất đột phá, mở đường về mặt thể chế cho sự phát triển của Hà Nội. Sau hơn 8 năm Luật Thủ đô có hiệu lực, tổng kết quá trình thi hành, UBND thành phố Hà Nội đánh giá, Luật đã có những tác động tích cực nhất định, góp phần thúc đẩy phát triển mọi mặt của đời sống kinh tế - chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, việc tổ chức thi hành Luật Thủ đô chưa đạt kết quả như mong muốn, vì vậy, thành phố đề xuất sửa đổi toàn diện Luật nhằm tháo gỡ những tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tạo cơ chế hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền thành phố theo hướng tinh gọn, hiện đại; tăng cường phân quyền, phân cấp cho Thủ đô trên các lĩnh vực như tài chính - ngân sách, văn hóa, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác cũng như xây dựng những cơ chế, chính sách mới, có tính chất đặc thù, vượt trội về mặt thể chế để Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.
Tại tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận việc triển khai thực hiện Luật Thủ đô trên địa bàn quận Hoàn Kiếm thời gian qua có những thuận lợi, bất cập; đồng thời đưa ra những kiến nghị cụ thể và việc sửa Luật Thủ đô là thực sự cần thiết để tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp với vị trí, vai trò của Thủ đô. Trong đó, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long nêu kiến nghị các cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế ban đêm; tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin để đẩy nhanh tốc độ xây dựng chính quyền đô thị.
Phát biểu kết luận tại tọa đàm, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, việc lựa chọn quận Hoàn Kiếm để khảo sát việc xây dựng cơ chế, chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là phù hợp với thực tế, bởi đây là địa bàn mang đầy đủ bản chất của Thủ đô, gắn với văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Điều đó cho thấy, việc xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cần xác định được vị trí của Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, sau đó là trung tâm giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ, kinh tế, trung tâm giao dịch quốc tế của cả nước.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, Hà Nội vừa là Thủ đô, vừa là kinh đô ngàn năm văn hiến với những yếu tố văn hóa đậm nét, tỷ lệ đô thị hóa của Hà Nội còn thấp, Hà Nội còn dư địa, lợi thế của địa phương đi sau trong lĩnh vực này; 80% số trường đại học trên cả nước đóng trên địa bàn thành phố, cùng 65% giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học của cả nước tại Hà Nội. Vì thế, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho rằng, việc xây dựng cơ chế, chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) cần tính đến những đặc thù cho việc phát triển quận Hoàn Kiếm, với vị thế là quận nội đô của Thủ đô Hà Nội.
Cùng với đó, cần có các cơ chế, chính sách để phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của quận Hoàn Kiếm cũng như Thủ đô Hà Nội; đầu tư xây dựng ngành công nghiệp văn hóa, phát huy hiệu quả của các thiết chế văn hóa trên địa bàn. Đồng thời, việc xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho phát triển đô thị của quận Hoàn Kiếm cũng như Thủ đô là hết sức cần thiết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.