Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các cây xăng vẫn "quá tải" khách mua

Thanh Hải| 12/11/2022 13:24

(HNMO) - Mặc dù từ 15h ngày 11-11, liên bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh chi phí đưa xăng, dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng, dầu, nhưng trong sáng 12-11, các cây xăng trên địa bàn Hà Nội, lượng khách vẫn khá đông. Theo một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, tỷ lệ chiết khấu vẫn không cải thiện, nên nhiều cửa hàng, đại lý không mặn mà trong kinh doanh.

 Lượng người tới mua xăng tại cửa hàng xăng dầu trên phố Khâm Thiên xếp hàng tràn ra một phần lòng đường.

Tại kỳ điều hành giá xăng, dầu ngày 11-11, liên bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở. 

Giá bán xăng E5RON92 đã tăng 838 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 1.111 đồng/lít; dầu hỏa tăng 964 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 678 đồng/kg so với giá bán hiện hành.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, sáng 12-11, tại một số cây xăng trên địa bàn, khách hàng có thể mua xăng theo nhu cầu mà không bị giới hạn hạn mức. Lượng người mua có giảm so với thời điểm trước tăng giá, nhưng áp lực vẫn rất lớn. 

Cụ thể, tại cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 31 (số 111 đường Láng, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân), lượng khách vẫn xếp hàng dài, nhất là người điều khiển xe máy. 

Điều này cũng tương tự với cây xăng tại 111 đường Láng.

Còn tại cửa hàng xăng dầu HFC, số 233 phố Khâm Thiên (quận Đống Đa), khách xếp hàng mua xăng tràn ra cả một phần lòng đường. 

Tương tự, tại cửa hàng xăng, dầu Nam Đồng (số 185 đường Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa), lượng khách đi xe máy đổ xăng xếp hàng dài hàng chục mét. Chị Lê Minh Ngọc (khu đô thị Royal) cho biết, phải mất 15 phút xếp hàng mới đổ được xăng. 

Trong khi đó, theo anh Nguyễn Văn Minh, nhân viên cửa hàng xăng, dầu Nam Đồng, lượng khách so với trước kỳ điều chỉnh có giảm nhưng không đáng kể, nguyên nhân là nhiều cây xăng tư nhân khan hiếm hàng nên khách đổ dồn về các cửa hàng của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Theo một lãnh đạo cửa hàng xăng dầu, là đại lý nhượng quyền thương mại của Petrolimex, từ 15h ngày 11-11, mức chiết khấu cho 1 lít xăng dầu với khu vực I vẫn chỉ là 190 đồng. Mức này quá thấp, không đủ trang trải phí vận chuyển xăng, dầu về đến cửa hàng. Trong khi đó, chi phí kinh doanh còn bao gồm tiền kho bãi, lương, bảo hiểm xã hội cho nhân viên, tỷ lệ hao hụt của xăng, dầu...

“Đơn vị chúng tôi ký hợp đồng với Petrolimex với mức giao hằng ngày là 30m3 xăng, dầu. Với tình trạng hiện nay, chúng tôi cũng sẽ chỉ bán đủ số lượng giao nhận, không đề xuất tăng thêm khối lượng. Với lượng khách tăng lên 200% như hiện nay thì 30m3 xăng dầu sẽ hết trong thời gian ngắn, nên lượng khách đổ về đông ở các đại lý Petrolimex cũng dễ hiểu”, vị này nói.

 Lượng khách đi xe máy và ô tô xếp hàng thành một dãy dài tại cửa hàng xăng dầu Nam Đồng.

Để bảo đảm nguồn hàng cho quý IV-2022, Petrolimex đã chủ động tạo nguồn cho thị trường nội địa, dự kiến khoảng gần 3 triệu mét khối/tấn, tương ứng khoảng 140% so với phân giao tối thiểu của Bộ Công Thương.

Theo Petrolimex, tại một số địa phương, tình trạng người dân dồn về các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex vẫn tăng đột biến. Để phục vụ khách hàng, Petrolimex đã phải nỗ lực từ khâu tạo nguồn, đến vận chuyển từ kho, cảng về các cửa hàng xăng dầu và cuối cùng là bán lẻ đến tay người tiêu dùng. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Các cây xăng vẫn "quá tải" khách mua

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.